Trạm y tế lưu động tiếp nhận F0 đến cấp cứu, khám bệnh ở TP.HCM

Chiều 20-8, Sở Y tế TP.HCM và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận 3 đã ra mắt trạm y tế lưu động số 1 trên địa bàn phường 11, quận 3. 

BS Lê Thị Bảo Yến, trưởng trạm y tế lưu động, cho biết hiện nhân sự của trạm có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng. Khi ghi nhận các ca F0 có triệu chứng, bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến nhà để khám cho bệnh nhân. Tùy tình trạng của bệnh nhân mà cho theo dõi tại nhà hoặc cho thuốc, điều phối xe chở lên trạm y tế lưu động. Người nhà cũng có thể tự chở bệnh nhân đến trạm y tế lưu động để cấp cứu.

Trạm y tế lưu động phường 11, quận 3 ra mắt. Ảnh: HL

Trạm y tế hiện trang bị 4 máy tạo oxy và khoảng 10 bình oxy lớn, nhỏ cùng đầy đủ loại thuốc theo quy định điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà mới nhất. Nếu bệnh nhân thở oxy và dùng thuốc không chuyển biến nhiều, trạm y tế sẽ liên hệ với xe điều phối để chuyển lên tuyến trên.

Theo BS Yến, thời gian qua, có một số F0 trở nặng tại nhà, đợi cấp cứu lâu do tuyến trên đều quá tải, trong khi đó bệnh nhân có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào. BS Yến hi vọng mô hình trạm y tế lưu động giúp cấp cứu kịp thời cho  người dân tại chỗ.

Bên trong trạm y tế lưu động phường 11 quận 3. Ảnh: HL

Tham dự lễ khánh thành, PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở  Y tế TP.HCM kỳ vọng mô hình trạm y tế lưu động sẽ giúp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tốt hơn.

Theo ông Thượng, trạm y tế lưu động có 2 chức năng là quản lý sức khỏe bà con trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Giai đoạn đầu, trạm y tế lưu động sẽ tập trung quản lý F0 tại nhà trên địa bàn. 

Mỗi phường xã đều được yêu cầu lập một trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0. Trường hợp số F0 lớn hơn, có thể tăng thêm trạm. Các F0 đều có số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc tếu tố nguy cơ để đến trực tiếp nhà khám.

Túi thuốc chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà. Ảnh: HL

Mỗi F0 được tặng một túi thuốc chăm sóc sức khỏe gồm có 7 món: thuốc ho, thuốc hạ sốt, vitamin (không cần kê toa), nước súc họng, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang máy đo điện tử nồng độ oxy trong máu spO2, thuốc kháng đông kháng viêm có kê toa theo chỉ định bác sĩ nhưng dùng được trong tình huống bệnh nhân khó thở đột ngột khi chưa tiếp cận được bác sĩ.  

“Thay vì tìm đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, trạm y tế sẽ tiếp nhận bệnh bệnh nhân đến khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân" - PGS Tăng Chí Thượng nói. 

PGS Tăng Chí Thượng  cùng các đại biểu thăm quan bên trong trạm y tế lưu động số 1 ở phường 11, quận 3. Ảnh: HL

Trước đó, vào ngày 19-8, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cùng các quận, huyện về việc triển khai các trạm y tế lưu động nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm