TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà máy giết mổ hiện đại

Sáng 27-10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM có buổi làm việc với Sở NN&PTNT cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.

Tới thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa hoàn thành là vấn đề được nhiều thành viên của HĐND TP.HCM quan tâm.

Thịt chứa chất cấm giảm mạnh

Ông Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết từ năm 2017 tới tháng 3-2019, cơ quan chức năng lấy 457 mẫu nước tiểu heo được nuôi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM và 69 mẫu thức ăn chăn nuôi để giám sát dư lượng kháng sinh. Kết quả không phát hiện mẫu dương tính chất cấm.

Tại các cơ sở giết mổ heo và gia cầm trên địa bàn TP.HCM, từ năm 2017 tới tháng 3-2019, cơ quan chức năng cũng lấy 3.590 mẫu nước tiểu và thịt để giám sát tồn dư chất cấm, kháng sinh, hàm lượng vi sinh vật. “Kết quả 130 mẫu nước tiểu heo chứa dư lượng acepromazin (thuốc an thần). Tuy nhiên, từ tháng 3-2019 tới nay, cơ quan chức năng không phát hiện dư lượng acepromazin trong nước tiểu heo. Kết quả giám sát còn ghi nhận ba mẫu thịt heo chứa dư lượng kháng sinh tylosin, năm mẫu thịt heo có dư lượng kháng sinh sulfadimidin, 15 mẫu thịt chứa dư lượng kháng sinh họ tetracycline. Cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu thịt để giám sát dư lượng ba loại kháng sinh nói trên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kết quả giám sát còn cho thấy tỉ lệ đạt các chỉ tiêu vi sinh tăng từ 62%-65% năm 2017 lên 80%-84% năm 2020” - ông Trọng nói.

Cùng thời gian trên, cơ quan chức năng cũng lấy 1.050 mẫu thịt có nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ để kiểm tra chỉ tiêu Salmonella, tổng số vi khuẩn hiếu khí và E. coli. Kết quả đạt lần lượt là 67,8%, 69,9% và 67,7%. Kết quả trên cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong việc chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y tại những cơ sở giết mổ của các tỉnh. “Kết quả giám sát còn ghi nhận thịt có nguồn gốc từ các tỉnh chứa dư lượng kháng sinh giảm so với giai đoạn 2012-2016 và giảm dần từ năm 2017 tới nay” - ông Trọng nói thêm.

Heo được giết mổ tại cơ sở An Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Cần sớm hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp

“Tháng 7-2017, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 04 về thực hiện chính sách, pháp luật ATTP. Nghị quyết nói trên có nội dung đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP.HCM sẽ ngưng hoạt động và đưa vào vận hành chín nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại để đảm bảo nguồn thịt tới tay người tiêu dùng luôn an toàn. Đây là điều nhiều người quan tâm” - ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nói.

“Tuy nhiên, tới nay không biết tiến độ xây dựng chín nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tới đâu, có gặp khó khăn gì không. Đây là trách nhiệm của Sở NN&PTNT TP.HCM. Do vậy, sở này cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành” - ông Đạt nêu quan điểm.

Tương tự, ông Trần Xuân Điền (thành viên Ban giám sát HĐND TP.HCM) cho biết ông cũng rất quan tâm tới hệ thống nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại. “Tại kỳ họp HĐND TP.HCM giữa năm 2017, ông Nguyễn Phước Trung (khi đó là giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM) cam kết chín nhà máy giết mổ hiện đại sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa xong, không biết tình hình xây dựng tới đâu rồi” - ông Điền đặt câu hỏi.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Thiết (Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM) cho biết tháng 7-2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định cho phép các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP hoạt động tới ngày 31-12-2020. “UBND TP.HCM cũng gia hạn thời gian hoàn thành các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại. Theo đó, tới ngày 31-12-2020, ba nhà máy giết mổ công nghiệp ra đời và vận hành, sáu nhà máy còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 12-2021” - ông Thiết cho biết thêm.

Theo ông Thiết, các nhà máy giết mổ công nghiệp chậm hoàn thành là do vướng hồ sơ pháp lý, vay vốn ngân hàng… “Để giải quyết những tồn tại trên, TP.HCM thành lập tổ liên ngành để cùng doanh nghiệp tháo gỡ và đã có những dấu hiệu tích cực” - ông Thiết nói.

“Ngay cả khi UBND TP.HCM có văn bản cho phép gia hạn thời gian hoàn thành các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại thì đây vẫn là món nợ đối với người dân TP.HCM” - ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ.

Theo ông Phong, một khi các nhà máy giết mổ công nghiệp hoàn thành sớm thì người dân TP.HCM được hưởng lợi vì có cơ hội sử dụng thịt an toàn. “Các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để những nhà máy giết mổ công nghiệp sớm đi vào hoạt động. Đây là mong muốn của hàng triệu người dân TP.HCM” - ông Phong nói.

Hai sở phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn kích cầu

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở KH&ĐT TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn kích cầu để xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại trên địa bàn TP.HCM.

Bà CHU VÂN HẢIPhó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm