TP.HCM: Bệnh viện sẵn sàng ứng phó Omicron

Liên quan đến ba ca nhiễm biến chủng Omicron cộng đồng, các cơ quan chức năng ở TP.HCM đang tích cực truy vết, điều tra dịch tễ người tiếp xúc với các ca bệnh.

Trong sáu ca F0 có ba ca nhiễm Omicron

Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đến 12 giờ ngày 19-1, TP ghi nhận có sáu ca F0 liên quan đến người bệnh nhập cảnh, trong đó có ba trường hợp xác định nhiễm biến chủng Omicron. Hai trường hợp còn lại và ca nhập cảnh vẫn đang chờ kết quả giải trình tự gen. Tất cả đều được chuyển cách ly tại BV dã chiến số 12, hiện tình trạng ổn định.

Bệnh viện dã chiến số 12 chuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: HL

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục mở rộng, điều tra các trường hợp đi chung chuyến bay, các trường hợp tiếp xúc gần. Đồng thời, thông tin rộng rãi để các hành khách trên hai chuyến bay đi chung với bệnh nhân nhập cảnh khai báo y tế tại địa phương để được tư vấn và làm xét nghiệm tầm soát. Cụ thể, chuyến bay VN5409 từ Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vào ngày 7-1-2022 và chuyến bay VN1345 từ Cam Ranh đến TP.HCM vào ngày 10-1-2022.

Cùng ngày, HCDC có báo cáo về ba ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng trên địa bàn. Ba ca này có lịch sử từng đi đón bệnh nhân nhập cảnh tại sân bay và đi ăn vào ngày 10-1.

Bệnh nhân nhập cảnh có kết quả xét nghiệm PCR âm tính tại Mỹ vào ngày 4-1, đã tiêm ba mũi vaccine Pfizer và nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh ngày 7-1, sau đó được cách ly tại khách sạn ở Nha Trang, có kết quả PCR âm tính do CDC Nha Trang thực hiện ngày 9-1. Đến tối 13-1, bệnh nhân cảm thấy ho khan, rát họng nhẹ, kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy nhiễm COVID-19.
Ngày 14-1, ba người còn lại cũng có triệu chứng nên đi khám và được lấy mẫu gửi BV 30/4 (Bộ Công an).

Ngày 15-1, khi có kết quả dương tính, BV 30/4 gửi mẫu của ba người này qua BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để giải trình tự gen cho thấy nhiễm biến chủng Omicron.

Bệnh viện phải sẵn sàng tham gia chống dịch

Tại cuộc họp thông tin tình hình dịch COVID-19 mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử vong tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10% đến 30% công suất giường bệnh.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các BV dã chiến trong giai đoạn nghỉ tết Nguyên đán. Nhân viên y tế, nhân viên khác sẽ tạm thời trở về công tác tại đơn vị chủ quản.

Việc này tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, sở cũng đề nghị lãnh đạo các BV phải luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch trong vòng 24 giờ khi Sở Y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các BV dã chiến.

“BV dã chiến số 12 được phân công tiếp nhận người nhập cảnh nước ngoài, điều trị ca bệnh nhiễm Omicron. BV này sẽ tiếp tục hoạt động và được bố trí thêm lực lượng khác để hỗ trợ. Suốt thời gian dịp tết Nguyên đán, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tại TP đảm bảo hoạt động xuyên suốt, đề phòng tình huống biến chủng Omicron phức tạp” - bà Mai lưu ý.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cũng cho biết TP đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó biến chủng mới từ cuối năm 2021.

HCDC đang chủ động giám sát chặt chẽ tất cả con đường, từ sân bay, cửa khẩu đến cộng đồng. Tất cả trường hợp nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đều phải thực hiện test nhanh. Trước khi lên máy bay, những người này phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ và test nhanh kể cả khi lên máy bay.

Tất cả người nhập cảnh có test nhanh dương tính đều được chuyển cách ly tại BV dã chiến số 12. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm để giải trình tự gen xác định chủng virus.

Trong nước, HCDC cũng có lực lượng thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở khu vực có nhiều người nhập cảnh, nơi có dấu hiệu tăng số ca nhiễm nổi trội để tầm soát xem có biến chủng Omicron tại cộng đồng hay không.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nhận định khó xác định được nguồn lây của ca bệnh nhập cảnh. Bệnh nhân có thể bị lây ở trong nước mà cũng có thể ở nước ngoài.

Mặc dù theo các nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh từ hai đến 14 ngày, biến chủng Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn nhưng không loại trừ có những trường hợp đặc biệt.

Theo BS Khanh, cách ứng phó biến chủng Omicron cũng giống như các chủng virus được phát hiện trước. Người dân nên tiếp tục tuân thủ 5K, tiêm phòng đủ hai mũi vaccine trở lên để giảm nguy cơ lây bệnh và bệnh nặng.

Mừng nhưng phải cảnh giác

Tại cuộc họp mặt báo chí, xuất bản mừng xuân - mừng Đảng dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sáng 19-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ niềm vui mừng khi số ca tử vong của TP.HCM đã giảm xuống còn chín ca, trong đó có ba ca từ các tỉnh khác chuyển đến. “Như vậy, số ca tử vong của TP.HCM hôm nay chỉ sáu ca, thấp nhất từ trước đến giờ” - ông Nên nói và cho rằng đó là thông tin trước nay chưa dám nghĩ tới, ngay bây giờ nghe cũng chưa dám tin.

Tuy nhiên, ông Nên bày tỏ lo lắng vì TP vừa phát hiện một chùm ca Omicron lây nhiễm từ cộng đồng liên quan đến một ca bệnh nhập cảnh. Đây là ba ca nhiễm Omicron trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Ông cho biết ngành y tế TP.HCM và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tối đa. “Nói thế để chúng ta lo và cảnh giác” - ông Nên nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm