Tốt nghiệp bác sĩ nhiều năm nhưng vẫn hưởng lương y sĩ

“Năm 2001, sau khi tốt nghiệp y sĩ chuyên ngành y học cổ truyền, tôi về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn (TP.HCM). Đến năm 2012, tôi được cơ quan giới thiệu học liên thông tại ĐH Y Dược TP.HCM chuyên ngành y học cổ truyền. Bốn năm sau (2016), tôi tốt nghiệp và được cấp bằng bác sĩ (BS)” - BS Bùi Đức Khanh (41 tuổi) chia sẻ.

Làm bù đầu nhưng vẫn hưởng lương không tương xứng

BS Khanh đang công tác tại Trạm Y tế xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Do bệnh nhân có nhu cầu được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền khá đông nên BS Khanh bận rộn suốt ngày. Chưa hết, những khi vào đợt chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng…, BS Khanh tất bật tham gia cả ngày với đồng nghiệp. Trong những đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, BS Khanh cùng đồng nghiệp nhiều đêm thức trắng để thống kê và tiếp cận những người nghi mắc bệnh hoặc trở về địa phương từ nơi có dịch.

“Công việc nhiều, lại là BS nhưng tới nay tôi vẫn hưởng lương ngạch y sĩ. Điều này ít nhiều gây thiệt thòi cho tôi” - BS Khanh nói.

Tương tự, BS Phạm Cung (37 tuổi, phụ trách Trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) tới nay vẫn nhận lương y sĩ cho dù tốt nghiệp BS được hai năm.

“Tôi tốt nghiệp y sĩ chuyên ngành đa khoa năm 2009 và đến công tác tại Trung tâm Y tế quận 12. Tới năm 2014, tôi được cơ quan giới thiệu học liên thông tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chuyên ngành đa khoa và tốt nghiệp BS năm 2018. Tuy nhiên, tới nay tôi vẫn hưởng lương ngạch y sĩ” - BS Cung cho biết.

Công việc của một BS phụ trách trạm y tế bù đầu bù cổ. Từ chống dịch bệnh cho tới tổ chức tiêm ngừa, hết lo chuyện phun thuốc diệt muỗi quay qua chuyện khám bệnh… Cực nhất là đợt dịch bệnh COVID-19, BS Cung là người chịu trách nhiệm triển khai và thực hiện các chỉ đạo từ quận và TP để hạn chế sự lây lan. “Mang tiếng BS, trách nhiệm lại nhiều nhưng hưởng lương ngạch y sĩ, các phụ cấp cũng được nhận theo ngạch y sĩ thì quả là thiệt thòi. Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng nghiệp cũng chung hoàn cảnh” - BS Cung cho biết thêm.

BS Phạm Cung (trái) hiện vẫn đang hưởng lương y sĩ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cần điều chỉnh sớm ngạch lương

BS Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, cho biết: “Do được cơ quan giới thiệu học liên thông nên anh Khanh được hưởng lương đầy đủ trong thời gian theo học. Anh Khanh cũng cam kết sẽ làm việc lâu dài tại cơ quan sau khi hoàn thành khóa học liên thông BS”.

“Ngoài BS Khanh còn một BS đang công tác tại Trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn tới giờ vẫn hưởng lương y sĩ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới thu nhập và không tương xứng với công sức bỏ ra. Do vậy, rất mong TP.HCM sớm tổ chức đợt thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để những trường hợp như anh Khanh được hưởng lương BS nếu đáp ứng các yêu cầu đặt ra” - BS Trường nói.

“Anh Cung được cơ quan giới thiệu học liên thông lên BS và được hỗ trợ 50% kinh phí. Để được theo học liên thông, anh Cung phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và cam kết phục vụ bốn năm cho cơ quan sau khi hoàn thành khóa học BS” - BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, chia sẻ.

Ngoài BS Cung, Trung tâm Y tế quận 12 còn ba trường hợp tương tự. Tất cả sau khi hoàn thành khóa học BS đều được bố trí công việc phù hợp chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu… “Làm công việc của một BS nhưng vẫn hưởng lương y sĩ là điều thiệt thòi cho anh Cung và ba trường hợp tương tự. Rất mong Sở Y tế TP.HCM quan tâm đến quyền lợi của những người như anh Cung” - BS Tuyến nói.

Mong sớm có đợt thi

Rất mong TP.HCM sớm tổ chức đợt thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để những trường hợp như anh Khanh được hưởng lương BS nếu đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

BS NGUYỄN VĂN TRƯỜNGGiám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn 

Chờ UBND TP.HCM tổ chức thi hoặc xét thăng hạng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp y sĩ đã tốt nghiệp BS muốn hưởng lương theo chức danh nghề nghiệp BS phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

“Việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo Nghị định 115/2020 của Chính phủ. Theo đó, UBND TP.HCM có thẩm quyền quy định về chỉ tiêu thăng hạng và tổ chức thi hoặc xét thăng hạng. Từ năm 2017 đến nay, UBND TP.HCM chưa tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế. Thời gian tới, khi nào UBND TP.HCM tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Sở Y tế TP.HCM sẽ có văn bản thông báo các đơn vị trực thuộc được biết và thực hiện” - BS Mai cho biết thêm.

Tiêu chuẩn được dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020 của Chính phủ.

Theo đó, viên chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét tuyển chức danh nghề nghiệp…

Có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp. Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm