Tình người trong ‘hẻm ung thư’

Hơn 12.000 bệnh nhân ung thư đến khám, điều trị mỗi năm tại Bệnh viện (BV) Ung bướu. Người bệnh đông nhưng cơ sở hạ tầng chật hẹp nên họ phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt mình. Do vậy, nhiều bệnh nhân và thân nhân từ các tỉnh xa xôi lặn lội đến BV Ung bướu TP.HCM phải thuê phòng trọ bình dân gần đó sống tạm bợ hoặc ở luôn hành lang BV để điều trị. Vòng luẩn quẩn chờ tái khám, đợi hóa/xạ trị, tái khám… qua thời gian đã kết tình người bệnh với nhau.

Cùng bệnh cùng nhà

Dưới cái nắng gay gắt những ngày cuối tháng 11, người đàn ông đội chiếc nón kết vành nhỏ trên đầu, tay trái lỉnh kỉnh khăn, thuốc, chai nước…, tay phải cố hết sức choàng lấy thân hình người vợ là chị Nguyễn Tâm Châu (35 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên). Chị Châu dáng vẻ mệt mỏi sau khi trải qua tia xạ trị thứ 12 cùng chồng quay ra cổng BV về nhà.

Ông Nguyễn Văn Hạnh cùng vợ đang ăn cơm tại hành lang BV. Hàng ngày, trước cổng BV Ung Bướu đều có phát cơm từ thiện do các mạnh thường quân đóng góp. Ảnh: HOÀNG GIANG. 

Chị Tâm Châu bị ung thư vòm họng, xạ trị ở BV Ung bướu đã nửa năm nay. Để chạy chữa cho vợ, anh phải bỏ công việc ở quê, bán luôn mẫu ruộng còn lại để lấy tiền mua thuốc. Chi phí đi lại quá tốn kém nên anh chị đành gửi đứa con gái hơn hai tuổi cho bà nội ở quê, chôn chân ở Sài Gòn chữa bệnh. Suốt mấy tháng trời chưa một lần dám nghĩ tới chuyện về quê.

Nơi ở của anh chị cách BV chừng 300 m, đó là căn phòng trọ bình dân nằm lọt thỏm trong hẻm phía sau bãi giữ xe BV. Dãy nhà trọ bình dân này được những bệnh nhân ung thư gọi là nhà. Cả dãy có tám phòng nhỏ chia làm hai dãy, lối đi được chừa ra hơn 1m, không có chỗ để xe vì thực tế bệnh nhân thuê đều là dân tứ xứ, cuộc sống chỉ gói gọn trong phạm vi 300 m, từ nhà đến BV và ngược lại.

Vừa khó nhọc bước đến đầu dãy trọ, anh Đức (chồng chị Châu) đã cất tiếng gọi với vào trong: “Anh Hai có nhà không, vợ chồng Năm Châu Đức về rồi đây!”. Tiếng bước chân chậm dần vang lên, ánh mắt sâu hõm tiến ra khỏi cửa phòng 3, rồi phòng 5, 6 tíu tít hỏi thăm chị Châu. Vì hành lang quá nhỏ, ba cái đầu trọc lóc ngó nghiêng rồi nói vọng qua cửa sổ phòng 8: “Mệt không Năm Châu, vô nhà nằm nghỉ đi, còn mấy đợt nữa gắng lên nha Năm đặng còn về với con, với cái”. Tiếng nói chuyện xôn xao, tiếng cười văng vẳng trong dãy nhà trọ.

Mỗi tháng bệnh nhân trả cho nhà chủ 800.000 đồng/phòng cả tiền điện, nước, tối đa một phòng được ở ba người. Khu nhà trọ không hẹn mà gặp này vô tình trở thành nhà của nhiều thế hệ người bệnh. Có người đến ở thời gian rồi về và cũng không ít người đến rồi ra đi mãi.

Là “già làng” của dãy trọ, ông Mai Văn Tỵ (48 tuổi, Phú Yên, bị ung thư gan) kể hẻm ung thư này có anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm... ai đến trước thì làm lớn, đến sau thì làm nhỏ. Dựa vào “tuổi bệnh” mà phân thứ chứ không dựa vào tuổi tác. “Đứa nào tuổi bệnh lớn có kinh nghiệm dạy lại đứa tuổi bệnh còn nhỏ, từ chỗ mua thuốc, chỗ lấy cơm đến từng bài học đau đớn sau xạ trị. Ở cái “nhà” này phải bảo bọc nhau như vậy, sống nay chết mai ai biết được, âu tốt với nhau cũng là cái phước ngày cuối đời con ạ” - ông Tỵ chậm rãi tâm sự.

Bữa cơm hùn hạp của gia đình bà Phan Thị Nghĩa với gia đình anh Lê Ngọc Thành (quê An Giang) ở hành lang BV Ung bướu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bữa cơm “hùn hạp”

Vì không chắc chắn ngày về nên tất cả phòng trọ đều khá tạm bợ. Đôi khi hai, ba nhà dùng chung cái thau giặt đồ hoặc siêu sắc thuốc… Để chống chọi với cái nóng, sống chết gì mỗi phòng cũng phải có lẻ loi một cây quạt. Nguyên dãy trọ chỉ có hai cái nồi cơm điện và một bếp gas. Những vật dụng này chỉ khi người hóa/xạ trị về mệt, thèm món nào đó hoặc nấu cháo mới phải dùng tới chứ bình thường đa số bệnh nhân bám trụ BV nhờ những bữa cơm từ thiện.

Cứ hơn 10 giờ mỗi ngày, dãy trọ thay phiên nhau ra cổng BV Ung bướu xin cơm từ thiện. Phần ai người đó xin để tránh thừa cơm bỏ đi mang tội. Mỗi người hai suất trưa, chiều đều đặn. Mang cơm về đến nhà thì nằm đợi các anh, các chị về đông đủ cùng ăn cho ấm cúng. “Già làng” Tỵ thường bảo ăn với nhau bữa cơm ngày bệnh tật dù rau hay cháo cũng ngọt.

Không có điều kiện thuê nhà trọ, chủ yếu là để tiết kiệm chi phí thuốc men, nhiều bệnh nhân đã chọn hành lang BV làm nơi nghỉ ngơi tạm bợ. Hành trang của mỗi người đều có thể xem như một ngôi nhà di động: Mền, gối, chiếu, tô, chén đựng trong một chiếc túi cỡ trung mang theo bên mình. Buổi trưa ở hành lang BV, bệnh nhân ngồi từng nhóm với nhau cùng ăn trưa, nói chuyện.

Hồi mới vào BV, chị Ngọc Thắm thường mua cơm về ăn. Những ngày qua chi phí cho người em gái bị ung thư vú tốn nhiều tiền nên trưa nay chị đi theo chị Hương (Cà Mau) lấy cơm từ thiện. Mỗi bệnh nhân đều chuẩn bị sẵn cho mình một hộp nhựa để đi xin đồ ăn. Mới ngày đầu nên chị Thắm chẳng có gì để đựng cơm, đang loay hoay thì chị Hương lên tiếng: “Ai ăn xong rồi cho nhỏ này mượn cái hộp lấy đồ ăn đi!”. “Đợi xíu, tôi ăn sắp xong rồi đây” - anh thanh niên tên Tân ăn vội phần đồ ăn trong hộp nhựa rồi đưa cho chị Thắm. Chị Thắm nhận hộp nhựa, tráng qua nước rồi dợm bước đi. Phía sau có tiếng gọi với theo: “Bé, bé! Lấy cái ca đây nè, đựng được nhiều đồ ăn hơn mà không nóng tay. Ăn xong rửa trả chị, chút vô không có muỗng thì nói chị đưa cho!” - một phụ nữ đầu trọc tóc sau nhiều lần xạ trị nở nụ cười héo hắt nói với chị Thắm.

Ở BV cả ngày, nếu chỉ quan sát thì rất khó có thể biết ai là người thân của bệnh nhân nào và giữa những con người ngồi khép nép dưới tán cây kia ai mới thật sự là máu mủ ruột rà của nhau. Họ bao bọc lấy nhau từng chút một, quen cũng như lạ, từ ngụm nước, chút gió từ bàn tay trơ xương đến cái gối đầu tựa vào lòng. Họ yêu thương nhau hết mực như một gia đình. Thấy mà thương lắm!

Đến 200.000 người mắc bệnh ung thư mới mỗi năm

Báo cáo Gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng, chống ung thư quốc gia đến năm 2020 sẽ được trình bày tại Hội thảo phòng, chống ung thư TP.HCM lần XVIII diễn ra trong hai ngày 3 và 4-12.

Theo báo cáo này, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết mỗi năm toàn cầu có khoảng 14,1 triệu người mắc ung thư mới và 8,2 triệu người chết, trong đó 70% là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có 150.000-200.000 bệnh nhân mắc ung thư mới. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm hàng đầu, tiếp đến là ung thư dạ dày. Ở nữ giới, ung thư vú hàng đầu, tiếp đến là ung thư cổ tử cung…


 

Tôi đã chứng kiến nhiều người ung thư đến đây chữa khỏi bệnh vui vẻ trở về nhưng cũng không ít lần rơi nước mắt khi các em nói không còn hy vọng gì nữa. Thôi thì cứ yêu thương nhau, một giây một phút cũng được, lạc quan mà sống thì đời sẽ còn dài.

Ông MAI VĂN TỴ, bệnh nhân ung thư 48 tuổi, quê Phú Yên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm