Tiêm vaccine coi vậy mà không dễ!

Tuân thủ quy trình tiêm vaccine mới đây lại được Bộ Y tế lặp lại trong chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella đang diễn ra trên toàn quốc. Làm đúng quy trình tiêm sẽ hạn chế những sai sót đáng tiếc thậm chí gây tử vong cho người được tiêm. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện tốt quy trình này. Vụ tiêm nhầm nước cất thay vaccine ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một dẫn chứng.

Những ngày qua, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến một số điểm trường trên địa bàn TP.HCM đang thực hiện tiêm vaccine sởi-rubella ghi nhận việc thực hiện quy trình tiêm chủng.

Điều dưỡng khá tự tin

Tại các điểm trường mà PV ghé qua, tất cả đều tuân thủ nghiêm quy trình tiêm chủng. Điểm tiêm chủng phải bố trí theo quy trình một chiều bao gồm: Chỗ ngồi chờ trước tiêm chủng ® bàn đón tiếp, hướng dẫn ® bàn khám sàng lọc và tư vấn ® bàn tiêm chủng ® bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng ® chỗ ngồi theo dõi sau tiêm.

Tại Trường THCS Tân Xuân (Hóc Môn), điểm tiêm chủng do hai bác sĩ (BS) và tám điều dưỡng (ĐD) phụ trách. ĐD Lê Thanh Hiền, một trong các ĐD trực tiếp tiêm vaccine cho HS, cho biết chị đã tham gia lớp tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng do Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tổ chức năm 2013 nên tỏ ra khá tự tin khi tiêm ngừa cho HS. Tương tự, ĐD Nguyễn Thị Thanh Chung cũng đã tham gia lớp tập huấn này. “Chúng tôi được đào tạo kỹ năng tư vấn, khám sàng lọc, theo dõi, chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng… nên không quá lo để xảy ra những biến chứng” - ĐD Chung cho biết.

Tuân thủ đúng quy trình tiêm chủng vaccine sẽ hạn chế những sai sót, biến chứng nguy hiểm. Ảnh: TRẦN NGỌC. Đồ họa: H.LOAN

Y sĩ Nguyễn Văn Hoàng, phụ trách điểm tiêm chủng, cho biết tất cả BS, ĐD đều đã qua tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng. Điểm tiêm chủng được chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo quản vaccine và nước cất (dung môi), hộp thuốc chống sốc… theo đúng quy định của Bộ Y tế.

“Cháu hết run rồi”

Tại điểm tiêm chủng Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12), chúng tôi thấy vaccine sởi-rubella, nước cất được bảo quản trong thùng lạnh ở nhiệt độ 2-8oC và luôn được kiểm tra bằng nhiệt kế. Vậy việc lẫn lộn vaccine thành nước cất có dễ xảy ra không, BS Hà Ngọc Linh trả lời: “Lọ vaccine có màu đen, lọ nước cất màu trắng nên dễ phân biệt. Trước khi tiêm, ĐD sẽ trộn cả hai với nhau rồi lắc đều trước khi tiêm. Trong trường hợp chưa sử dụng hết thì vaccine được bảo quản lạnh, tránh ánh sáng và không để quá sáu tiếng, nếu sử dụng không hết thì phải tiêu hủy”.

Em Trần Thành Trung (học lớp 7) cho biết trước khi tiêm em cũng hơi sợ nhưng sau khi được các cô chú ĐD tư vấn em đã hết… run. “Cháu chỉ đau tại chỗ chích một tí, không nóng, không mệt. Bạn cháu lúc đầu cũng sợ chích nhưng giờ thì hết sợ rồi” - Trung cười nói.

Tại Trường THCS Bình Trị Đông A (Bình Tân), ngày 28-10, năm HS có biểu hiện mệt sau khi tiêm vaccine. Qua tìm hiểu, được biết năm HS nói trên bị hạ canxi huyết do đùa giỡn quá sức. Các em được chuyến đến BV quận Bình Tân, sau khi cho uống thuốc tăng cường canxi chiều cùng ngày các em đã xuất viện.

Chưa xảy ra phản ứng nặng

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhấn mạnh nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy trình tiêm chủng nói trên thì nguy cơ sai sót, biến chứng có thể xảy ra. Cũng theo BS Dũng, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng cho tất cả ĐD tham gia tiêm chủng, kể cả bộ phận quản lý. “Tất cả quy trình tiêm chủng vaccine như vận chuyển, bảo quản, tư vấn, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chích, theo dõi sau tiêm… đều quan trọng đối với những người tham gia tiêm chủng, cần thực hiện nghiêm ngặt.

Theo BS Dũng, TP.HCM thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella bắt đầu từ ngày 1-10, đợt 1 cho HS THCS kéo dài đến ngày 30-11. “Có gần 300.000 HS đang theo học các trường THCS, hiện đã tiêm ngừa gần 130.000 HS. Một số em có biến chứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ. Cũng có em cảm thấy mệt, lo lắng do tâm lý sợ chích. Tuy nhiên, các biểu hiện nói trên mau chóng biến mất. Đến nay chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm, kể cả sốc phản vệ” - BS Dũng khẳng định.

Năm học sinh ngất xỉu sau tiêm là do lo lắng

Trước việc năm học sinh Trường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) có biểu hiện chóng mặt, mệt xỉu sau khi tiêm vaccine sởi-rubella, ngày 30-10, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định đó là hiện tượng phản ứng dây chuyền sau khi tiêm do có sự tác động gây lo lắng, nữ thường gặp nhiều hơn nam, khoảng tuổi học sinh THCS.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có 58/63 tỉnh, TP tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella; gần năm triệu trẻ trong độ tuổi đã được tiêm chủng, không có phản ứng nặng nào xảy ra.

HUY HÀ

Sau khi xảy ra vụ tiêm nhầm nước cất cho 60 trẻ mầm non ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), ngày 27-10, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng phải tuân thủ đúng Quyết định 3715/QĐ-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ 1-14 tuổi năm 2014-2015. Đồng thời tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế, đảm bảo chỉ những cán bộ đã được tập huấn, có kỹ thuật thuần thục mới được tham gia tiêm chủng.

TRẦN NGỌC

Trong vòng 24 giờ sau tiêm vaccine, tại chỗ tiêm có thể sưng đau và dấu hiệu này sẽ tự mất trong vòng 2-3 ngày. Sốt nhẹ có thể xảy ra ở 5%-15% trẻ được tiêm, xuất hiện sau khi tiêm 7-12 ngày và kéo dài trong vòng 1-2 ngày. Ban có thể xuất hiện 7-10 ngày sau khi tiêm ở 2% trẻ và thường mất đi trong vòng hai ngày. Do vậy khi thấy trẻ có các biểu hiện trên thì phụ huynh không nên lo lắng. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế
dự phòng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm