Tiêm ngừa sởi-rubella cho 23 triệu trẻ

Trả lời về những công việc đã và đang làm để triển khai chiến dịch, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết chiến dịch bắt đầu từ 15-9 đến tháng 3-2015. Vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu. Trước mắt, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại các địa phương Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk và Bà Rịa-Vũng Tàu để rút kinh nghiệm về tổ chức, sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước.

Nơi nào chuẩn bị tốt thì mới cho tiêm chủng

. Phóng viên: Với số lượng trẻ trong diện được tiêm lên đến 23 triệu, công tác chuẩn bị của Bộ Y tế như thế nào để vừa đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, vừa đạt tỉ lệ cao số trẻ trong độ tuổi được tiêm?

+ PGS-TS Trần Đắc Phu: Xác định đây là công việc rất quan trọng nên trước hết chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ giao UBND các tỉnh, TP cùng phối hợp chỉ đạo, đồng thời huy động tất cả ban, ngành khác tại địa phương cùng tham gia chiến dịch.

Bộ Y tế cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng để lập danh sách trẻ trong độ tuổi, kết hợp quân dân y trong tiêm chủng cho trẻ ở vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn, tuyên truyền để các phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ. Thứ hai, chúng tôi đảm bảo hệ thống dây chuyền lạnh để bảo quản vaccine, hệ thống cung cấp vaccine, dụng cụ tiêm chủng... Bên cạnh việc chuẩn bị về trang thiết bị thì vấn đề đội ngũ nhân viên y tế cũng phải đảm bảo năng lực, trình độ trong các khâu tiêm chủng, khám và sàng lọc. Hiện Bộ Y tế đã tập huấn công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế tất cả tỉnh, TP trên cả nước. Bộ cũng sẽ tập huấn cho bên ngành giáo dục để cùng triển khai.

Đồng thời, chúng tôi thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên ngành. Theo đó, nơi nào khâu chuẩn bị tốt thì mới cho tiêm chủng, không làm một cách ồ ạt.

Các phụ huynh cần cho trẻ ăn no trước khi tiêm chủng. Ảnh: TÙNG SƠN

. Hiệu quả phòng bệnh của vaccine này như thế nào?

+ Bệnh sởi và rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vaccine sởi-rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Hiệu quả bảo vệ của vaccine là 95%.

TP.HCM: Bắt đầu tiêm từ tháng 10

Từ tháng 10-2014 đến tháng 3-2015, TP.HCM sẽ triển khai ba đợt tiêm vaccine sởi-rubella trong các trường học trên toàn TP. BS Bạch Thị Chín, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine, sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết ngành y tế và ngành giáo dục TP đang phối hợp tổ chức triển khai chiến dịch.

. Nếu chỉ tiêm trong trường học liệu có bỏ sót trẻ không đi học?

+ BS Bạch Thị Chín: Riêng tại TP.HCM, việc tổ chức tiêm trong trường học là một trong hai hình thức tổ chức của chiến dịch:

Hình thức 1: Tổ chức tiêm chủng tại trường học cho trẻ đi học. Đợt 1: Tiêm cho trẻ 11-14 tuổi (học sinh THCS), thời gian tiêm vào tháng 10 và 11-2014. Đợt 2: Trẻ 6-10 tuổi (học sinh tiểu học), thời gian vào tháng 12-2014 và tháng 1-2015. Đợt 3: Trẻ 1-5 tuổi (khối mầm non), tiêm vào tháng 2 và 3-2015.

Hình thức 2: Tiêm tại trạm y tế cho trẻ không đi học hoặc trẻ có đi học nhưng chưa được tiêm trong trường học. Thời gian tổ chức tại trạm y tế tương ứng 15 ngày cuối của mỗi đợt. Tất cả đều được tiêm một mũi vaccine sởi-rubella.

. Những triệu chứng cụ thể biểu hiện trẻ bị phản ứng với vaccine? Nếu gặp phản ứng vaccine thì ở nhà gia đình nên làm gì?

+ Sau tiêm trẻ có thể có những dấu hiệu sau đây, phụ huynh cần lưu ý:

- Sưng đau tại chỗ tiêm, dấu hiệu này tự khỏi sau 2-3 ngày.

- Sốt nhẹ xuất hiện sau 7-12 ngày sau tiêm và kéo dài 1-2 ngày.

- Ban có thể xuất hiện 7-10 ngày sau tiêm, kéo dài trong vòng hai ngày.

. Xin cảm ơn bác sĩ.

HUY HÀ - DUY TÍNH (thực hiện)

Các phụ huynh cần cho trẻ ăn no trước khi tiêm chủng. Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như trẻ đang mắc bệnh gì, đang điều trị thuốc nào, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng... Sau tiêm, cho trẻ ở lại khoảng 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường. Tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu trẻ sốt, cần theo dõi sát, có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39oC), co giật, khó thở, tím tái, phát ban...

PGS-TS TRẦN Đắc Phu,
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Lần đầu tiên một chiến dịch tiêm vaccine có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện trên 23 triệu trẻ 1-14 tuổi khắp cả nước. Vì tính chất quan trọng của chiến dịch, ngày 17-9, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cho Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP phải chuẩn bị mọi điều kiện để bảo đảm an toàn cho mọi trẻ em tiêm vaccine.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm