Thông tuyến BHYT sớm ngày nào có lợi cho dân ngày đó

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến”.

Nhiều bệnh viện xin xuống hạng để được thông tuyến

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ năm 2015, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định về thông tuyến trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Từ đó, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã gia tăng nhanh chóng. Việc cấp thẻ BHYT cho một số đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

thông tuyến bảo hiểm y tế

Việc thông tuyến BHYT mang lại nhiều lợi ích cho người dân tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh. Ảnh: T.NGỌC

Tuy nhiên, liên quan đến công tác quản lý quỹ KCB BHYT, Bộ trưởng Tiến cho biết đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát; dịch vụ y tế và năng lực của cơ sở KCB chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh…

“Một số bệnh viện (BV) tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III, IV) để được xếp tương đương với BV huyện, để được áp dụng cơ chế thông tuyến. Thậm chí có cơ sở còn áp dụng các dịch vụ như tặng quà, khuyến mãi, thậm chí là về tận địa phương đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến KCB" - Bộ trưởng Y tế lo ngại.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: “Có rất nhiều biểu hiện lạ, bất bình thường và rất đáng suy nghĩ. Cụ thể, từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017 có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi KCB từ hai lần trở lên mỗi tháng; ba triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến... 308 lần ở 23 nơi trong tám tháng (TP.HCM), 197 lần ở năm nơi (TP.HCM, Bình Dương), hay có người trong quý IV-2016 đi khám 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau…

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các BV cũng gia tăng, nhất là các BV tư nhân. Tổng giám đốc BHXH thông báo đã có nhiều BV tư thực hiện những “chiêu” khuyến mãi, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu KCB tăng “ảo”, làm gia tăng chi phí BHYT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ngày 1-3. Ảnh: HG

Tổng giám đốc BHXH cho biết năm 2015, số thẻ BHYT đã tăng hơn năm triệu so với năm 2014, đạt gần 70 triệu thẻ, bao phủ 76,2% dân số cả nước. Đến năm 2016, số người tham gia đạt xấp xỉ 76 triệu người (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số.

Tổng giám đốc BHXH xác nhận những lợi ích lớn mà người bệnh được hưởng khi thông tuyến thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế; được hưởng các dịch vụ tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB.

Với các BV tư nhân, khi thực hiện thông tuyến, số lượng người đến KCB tăng, tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Các cơ sở KCB cũng bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người bệnh.

Theo thống kê, tại tất cả cơ sở y tế tư nhân tuyến huyện đều có số lượng bệnh nhân đến KCB tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, một số BV tuyến huyện lại giảm số bệnh nhân do chất lượng không tốt (tại Quảng Nam, Bắc Giang…).

Dù vậy, không ít những hạn chế cũng được lãnh đạo cơ quan bảo hiểm chỉ ra như từ khi thông tuyến, y tế tuyến xã đã gần như bị bỏ rơi dẫn đến lãng phí nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào y tế cơ sở.

Thông tuyến có làm tăng chi quỹ BHYT?

Đó là băn khoăn của TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi nói về thông tuyến.

"Việc tăng chi quỹ BHYT, tình trạng lạm dụng BHYT thời gian qua chủ yếu do kết quả áp dụng giá dịch vụ y tế sau khi đã điều chỉnh. Qua báo cáo của Bộ Y tế và BHXH thì nếu xem các nguyên nhân gây tăng chi quỹ BHYT chỉ có 13% do tác động của thông tuyến. Thông tuyến là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm vừa qua. Các báo đài phản ánh một cơ sở ở Thanh Hóa cho xe về tận xã đón bệnh nhân hay phòng khám có khuyến mãi đường, sữa cho bệnh nhân… việc này có luật nào cấm không, họ làm có vi phạm gì không? Đề nghị hai bộ Y tế, Tài chính phải ngồi bàn bạc và làm rõ” - ông Tiên nói.

Ông Nguyễn Văn Tiên khẳng định rằng thực hiện thông tuyến theo Luật BHYT sửa đổi đã mang lại kết quả tốt, góp phần đẩy mạnh BHYT toàn dân. Các bộ, ngành có liên quan cần xúc tiến chuẩn bị các công việc cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Văn Tiên cũng kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành các quy định chuyên môn cho y tế xã quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, quy định chuyên môn về việc KCB của người dân mỗi ngày, tuần để hạn chế lạm dụng BHYT; sửa đổi về khoán kinh phí BHYT đối với cơ sở y tế có nhận đăng ký KCB ban đầu; quy định về kiểm soát tình trạng một số cơ sở y tế thực hiện các biện pháp khuyến mãi thu hút bệnh nhân đến cơ sở mình.

Đặc biệt, cần có giải pháp về kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế việc lưu giữ bệnh nhân để điều trị mặc dù cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện nguồn lực và có biện pháp xử lý mạnh đối với cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT.

Đối với BHXH Việt Nam, cần tăng cường giám định điện tử, ứng dụng CNTT trong thực hiện BHYT; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về giám định trong Luật BHYT để quản lý hiệu quả hơn quỹ BHYT.

GS-TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tán thành với ý kiến của ông Tiên khi nói rằng: "BHYT là vấn đề sống còn của người dân. Việc thông tuyến đã tạo điều kiện để người dân chăm lo sức khỏe của mình. Lỗi chính ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm”.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Vấn đề này dù được đặt ra trước đây nhưng vẫn chung chung thì hiện nay Bộ đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều mà đặt vấn đề ngược lại. Bởi lẽ các con số đều nói rằng khi thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi. Thông tuyến sớm ngày nào có lợi cho dân ngày ấy. Do đó Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này.

Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm