Thông tuyến BHYT: Nhiều bệnh viện xin xuống hạng

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về việc một số bệnh viện (BV) có nguy cơ giải thể do Thông tư 40, chiều 15-8, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - bảo hiểm xã hội (BHYT - BHXH) Việt Nam, xác nhận là tình trạng này có xảy ra, nhất là ở nhóm BV y học cổ truyền.

Ông Phúc cho biết sau tám tháng triển khai, việc thông tuyến đã khiến bệnh nhân dồn về các BV tuyến huyện. Ngược lại với tình trạng trước đây vắng vẻ, một số BV huyện đã rơi vào tình trạng quá tải. Theo quy định của BHYT, mỗi bàn khám của tuyến huyện chỉ phục vụ 50 bệnh nhân/ngày. Từ khi thông tuyến, nhiều nơi đổi lên 80-90 bệnh nhân/ngày, thậm chí hơn. Trong khi đó, một số BV tuyến trên và trạm y tế xã lại thiếu bệnh nhân.

BV cùng hạng nơi trồi, nơi tụt

Ghi nhận của PV tại BV Y dược cổ truyền, BV Da liễu tỉnh Đồng Nai sáng 16-8 chỉ lác đác vài bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Lý do, hiện BV Y dược cổ truyền chỉ có hơn 1.700 thẻ BHYT, còn BV Da liễu không có bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Các bệnh nhân khám trái tuyến thì không được thanh toán BHYT. Do chi phí tăng cao khiến người dân không mặn mà, dù có nhu cầu được điều trị chuyên khoa.

Chị Nguyễn Thị Phương, ngụ phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, đã đến BV Y dược cổ truyền điều trị về châm cứu, kéo lưng. Chi phí cho hai dịch vụ y tế trên và tiền thuốc tốn 600.000 đồng. “Dù có BHYT tại BV Đa khoa Đồng Nai nhưng do nhà gần BV Y dược cổ truyền nên tôi đến khám. Tuy nhiên, chi phí của đợt khám bệnh này quá cao. Các lần trước tôi khám bệnh đúng tuyến chỉ mất hơn 100.000 đồng. Vì vậy, tôi cũng khó mà theo điều trị tại đây dù có nhu cầu” - chị Phương nói.

BV quận Tân Bình thưa vắng bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Ảnh chụp trưa 16-7. Ảnh: HTD

Chị Nguyễn Thị Son, ngụ khu phố 3, phường Tân Phong, TP Biên Hòa, bức xúc: “Bố mẹ tôi mua thẻ BHYT nhiều năm ở Nghệ An. Từ khi ông bà bị tai biến, tôi đưa bố mẹ vào đây sống cùng. Tuy nhiên, khi đi khám bệnh, ông bà lại không được thanh toán BHYT do trái tuyến” - chị Son nói. BS Phạm Văn Long, Giám đốc BV Y dược cổ truyền, cho biết buổi sáng BV còn có lác đác bệnh nhân tới khám chữa bệnh, giảm 54% so với trước (trung bình 130-150 bệnh nhân/ngày, năm 2015 là 300-350 bệnh nhân/ngày). Còn buổi chiều, bệnh nhân lại càng thưa thớt.

Cũng trong tình trạng như trên, BV Da liễu Đồng Nai suốt nhiều tháng nay đều trong tình trạng vắng bệnh. Lượng bệnh nhân có thẻ BHYT khám tại BV đã giảm đến hơn 90%. Theo BS Lê Thị Thái Hà, Giám đốc BV này, lượng bệnh mấy tháng gần đây đã giảm rõ rệt. Cụ thể, giảm từ 300 xuống còn 190 bệnh nhân/ngày, trong đó chỉ có 5% được hưởng BHYT do có giấy chuyển tuyến. Nhiều người dân đến BV khám nhưng khi không được thanh toán BHYT đều ra về.

Ngược lại, khảo sát tại BV quận Thủ Đức (BV hạng I - TP.HCM) sáng 16-8, lượng bệnh nhân đến khám rất đông. Theo bà Trần Nguyễn Thu Quyên, 51 tuổi, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM, trước đây gia đình bà đăng ký BHYT tại BV quận 9. Tuy nhiên, khi nghe bảo từ đầu năm 2016 có thay đổi trong việc thông tuyến BHYT, mỗi khi có nhu cầu khám bệnh bà Quyên đều đến BV quận Thủ Đức khám. Theo bà, “có đi xa một chút cũng không sao, vì đây là BV hạng nhất, có nhiều chuyên khoa sẽ tốt hơn. Trong khi đó BHYT vẫn chi trả đúng tuyến, rất tiện lợi”.

Thông tuyến nhưng xuất phát điểm khác nhau

Thực tế cho thấy hầu hết BV tuyến huyện tăng số lượng khám chữa bệnh sáu tháng đầu năm 2016 là các BV hạng I, II chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến, có phòng khám vệ tinh do các BV chuyên khoa lớn khác đặt tại đó. Như BV quận 2 là BV có nhiều phòng khám vệ tinh của các BV lớn, đồng thời là BV hạng II có nhiều chuyên khoa quan trọng. Từ sau chính sách thông tuyến, nhiều bệnh nhân từ các quận lân cận như quận Bình Thạnh, quận 9… lựa chọn khám chữa bệnh tại đây.

Theo bà Phan Hồng Ngọc, Phó Giám đốc BV quận Tân Bình, chia sẻ tổng kết quý II-2016 của Sở Y tế TP.HCM, BV quận Tân Bình nằm trong số các BV có lượt khám chữa bệnh giảm 10%. Nguyên nhân theo bà Ngọc: Khi bệnh nhân có quyền được chọn BV mình tin tưởng thì các BV lại có xuất phát điểm cơ sở vật chất rất khác nhau. “Đối với các BV hạng III như BV chúng tôi buộc phải nâng cấp chất lượng trang thiết bị, thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân. Riêng với BV quận Tân Bình đã phải tập huấn thêm về quy tắc ứng xử, tăng khám BHYT ngoài giờ cho bệnh nhân muộn hơn và cả vào sáng thứ Bảy” - bà Ngọc cho biết.

BS Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho hay sau khi Thông tư 40 có hiệu lực, BV Da liễu và Y dược cổ truyền tỉnh được xếp hạng III tuyến tỉnh, thay vì là BV chuyên khoa hạng III tuyến huyện như trước đây. “Như vậy, vô tình Bộ Y tế đã bắt các BV này phải khoác chiếc áo quá rộng” - BS Trung nêu ý kiến. Do hai BV trên được lên hạng nên bệnh nhân muốn được thanh toán BHYT phải được BV tuyến dưới chuyển lên. Nhưng thực tế rất hiếm khi BV tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên các BV chuyên khoa da liễu, y học cổ truyền để điều trị.

Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản “kêu cứu” Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, liên quan đến Thông tư 40 của Bộ Y tế. Do thông tư này làm mất quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT và gây phiền hà cho người dân. “So với nhiều BV tỉnh khác và BV chuyên khoa khác, tình hình của BV vẫn còn chút khả quan. Nhưng để nhân viên y tế sống được và thu hút nhân lực là điều rất khó. Chắc chắn sẽ có một số cán bộ y tế nghỉ việc” - BS Phạm Văn Long lo lắng.

Cần phân loại bệnh và tuyến điều trị

Để thu hút được bệnh nhân, các BV y học cổ truyền tuyến trên cần phải có phòng khám đa khoa Đông y. Phòng khám này sẽ chuyển bệnh nhân tới BV để điều trị. Nhiều BV y học cổ truyền trong cả nước đã áp dụng biện pháp này. Nhưng quan trọng nhất, để thu hút được bệnh nhân các BV phải đầu tư trang thiết bị, có chất lượng dịch vụ tốt, đội ngũ bác sĩ giỏi.

Khảo sát cho thấy tại nhiều BV tuyến huyện lớn thực hiện thông tuyến, có tới 40%-50% số bệnh nhân mắc bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu… tới khám, điều trị, trong khi trạm y tế xã hoàn toàn có khả năng kê đơn, điều trị. Với tình trạng quá tải như vậy, chất lượng khám chữa bệnh khó đảm bảo, trong khi đó quỹ BHYT vẫn phải chi trả. Vì vậy BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần tăng cường hơn y tế cơ sở. Trạm y tế xã không chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng mà còn là nơi khám chữa bệnh. Đồng thời cần phải phân loại rõ hướng bệnh nào khám, điều trị ở tuyến xã; bệnh nào ở tuyến huyện và bệnh nào điều trị tuyến tỉnh.

Ông LÊ VĂN PHÚC, Phó Trưởng ban Thực hiện
chính sách BHYT - BHXH Việt Nam

Điều mà Sở Y tế tỉnh Đồng Nai lo lắng là đến tháng 7-2016, khi thực hiện thu giá dịch vụ kỹ thuật gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương thì các BV hạng II không được đăng ký BHYT sẽ rất khó duy trì hoạt động.

BS LÊ QUANG TRUNG, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm