Thêm người sốt về từ vùng dịch Ebola

Ngày 21-8, lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết anh PTH (29 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đã tự nhập viện để theo dõi bệnh sốt xuất huyết Ebola vào tối 20-8. Hiện anh H. chưa thấy có triệu chứng của bệnh. Anh được đưa về địa phương để nghỉ ngơi và tiếp tục được theo dõi sức khỏe theo quy định.

TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết anh PTH đi từ sân bay của Liberia, quá cảnh qua Ghana, sau đó là Hà Lan, Bangkok (Thái Lan) và về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 5 giờ chiều 19-8. Anh H. không được máy đo thân nhiệt phát hiện sốt. Tuy nhiên, khi qua công an cửa khẩu thì anh H. cùng nhóm 20 người trở về từ Liberia được yêu cầu trở lại kiểm tra và làm tờ khai y tế vì về từ vùng dịch.

Theo lời anh H., nhóm người của anh gồm 20 người Việt làm thợ xây dựng tại Liberia (một trong bốn nước có dịch). Cách đây 20 ngày, khi nghe dịch Ebola xảy ra, họ đã nghỉ việc và ở trong một khu căn hộ, không tiếp xúc với người bản xứ.

 
Diễn tập tình huống cách ly người bệnh về từ vùng dịch Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.NGỌC

Trước khi về Việt Nam bốn ngày, anh H. bị viêm họng và có cảm giác nóng sốt, có uống thuốc hạ sốt và kháng sinh. Anh tiếp tục uống thuốc hạ sốt tại Bangkok cách sáu tiếng trước khi về Việt Nam. “Tại khu cách ly kiểm tra ở sân bay, nhiệt độ của anh H. là 37,2oC nhưng sau 10 giờ giảm xuống còn 36,9oC nên anh H. được cho về nhà và được dặn dò không tiếp xúc với vợ con. Đêm đó và sáng hôm sau, tôi có gọi cho anh H., anh bảo mình khỏe hơn” - TS Thượng nói.

Mặc dù vậy, khi về nhà anh H. đã tự thuê khách sạn để ở và không tiếp xúc với vợ con. Tuy nhiên, do thấy anh H. có viêm họng, sốt trước đó nên Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú đã đưa vào trạm y tế để theo dõi và sau đó tiếp tục đưa đến BV Bệnh nhiệt đới để theo dõi tiếp.

TS Thượng nhận định: Qua trường hợp trên thì ý thức hợp tác của người dân rất tốt. Họ tự khai bệnh và tự cách ly với gia đình. Ngoài ra, theo TS Thượng, máy đo thân nhiệt chỉ phát hiện bệnh nhân bị sốt, còn với người uống thuốc đối phó hạ sốt (hạ dưới ngưỡng quy định) thì máy không phát hiện được. Do vậy quan trọng nhất là tại sân bay cần phát hiện người từ vùng dịch về để họ khai báo và theo dõi tại cộng đồng 21 ngày.

Cũng theo lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới, hai hành khách Nigeria tuy đã được xuất viện, sức khỏe bình thường nhưng vẫn được ngành y tế TP giám sát chặt để tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe.

DUY TÍNH - HUY HÀ

Người dân TP.HCM không hoang mang

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, từng chia sẻ: “Dù dịch Ebola nguy hiểm nhưng nhân dân TP.HCM an tâm, đừng quá hoang mang. Ngành y tế TP.HCM đã chuẩn bị kỹ mọi biện pháp nhằm phát hiện Ebola ngay từ cửa khẩu Tân Sơn Nhất để kịp thời ngăn chặn. Bên cạnh đó, y tế địa phương cũng giám sát chặt tình trạng sức khỏe hành khách về TP.HCM từ những quốc gia có dịch Ebola để tránh lây lan ngoài cộng đồng”.

Trước đó, ngày 17-8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Đối với  hành khách về TP.HCM từ những quốc gia có Ebola thì sẽ được y tế địa phương giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày kể từ khi rời khỏi nước có dịch.

Hai ngày sau (19-8), một sự kiện thực tế đã xảy ra. Hai hành khách Nigeria từ Qatar tới sân bay Tân Sơn Nhất bị sốt. Ngay lập tức kịch bản được đưa ra sử dụng hoàn hảo đến từng chi tiết. Cơ sở y tế và từng cá nhân tham gia phòng, chống Ebola không lúng túng, không sai một lỗi nhỏ. Bên cạnh đó, y tế dự phòng các quận, huyện TP.HCM cũng nhanh chóng tiến hành giám sát hành khách về từ quốc gia có dịch Ebola.

Và nay thêm một trường hợp về từ vùng có dịch. Hành khách đã tự tìm đến cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe và tự cách ly mình để tránh lây bệnh (nếu có) cho gia đình và cộng đồng.

Khi người dân không hoang mang và có ý thức phòng bệnh cao thì dịch bệnh Ebola không còn là vấn đề đáng lo ngại.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm