Té võng, chấn thương đầu

Mẹ bé vừa kể, vừa khóc: “Con tôi nằm trên võng ngủ thiu thiu, tôi ra sau nhà ăn cơm, một lúc sau tôi nghe tiếng khóc thét của bé, vội chạy lên thì thấy bé nằm úp mặt xuống đất”.

Qua khám và chụp X-quang, BS chẩn đoán bé bị chấn thương đầu, máu tụ dưới da đầu vùng trán, sây sát phần mềm ở mặt và đề nghị nằm viện theo dõi.

Về mặt chuyên môn, té võng là một tai nạn nguy hiểm, bé có thể bị chấn thương sọ não, nứt xương sọ, chảy máu trong não, gãy xương sườn, xương sống, xương mặt... vì xương của trẻ càng nhỏ tuổi càng yếu ớt.

Lưu ý khi cho trẻ nằm võng

Ngoài việc dễ té ngã, nếu bà mẹ cho con nằm võng, tư thế nằm võng làm cho xương sống không thẳng, cong vẹo theo chiều cong của võng.

Khi bị cong vẹo cột sống, lồng ngực sẽ không thể dãn nở được dẫn đến tim, phổi cũng không thể hoạt động tốt được.

Việc cho bé nằm võng thường xuyên sẽ cản trở quá trình phát triển não và cơ bắp của bé.

Trẻ nhỏ, đặc biệt là ở giai đoạn 3-4 tháng tuổi, cơ thể cần được hoạt động, huơ tay huơ chân và bắt đầu tập lẫy, lật. Tất cả những hoạt động này cần phải có sự lưu thông máu đầy đủ lên não, giúp não phát triển tốt hơn.

Nếu đặt bé nằm võng thường xuyên, bé sẽ khó vận động và không thể lẫy được, khiến sự phát triển cơ thể bị hạn chế.

Khi nằm võng, độ rung lắc của võng còn gây nên “hội chứng rung lắc” ở trẻ nhỏ, làm trẻ dễ bị xuất huyết não, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, rối loạn khả năng định hướng...

Theo BS NGUYỄN THÀNH ÚC (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm