Tăng viện phí, tăng nỗi lo!

Ngày 1-6, các bệnh viện (BV) công lập, trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM đồng loạt tăng 10% viện phí. Khảo sát ở một số BV ngay sau đợt tăng, các bệnh nhân nhẹ ngoại trú cho rằng “viện phí tăng chẳng đáng bao nhiêu”, trong khi bệnh nhân nặng mạn tính thì thật sự lo lắng vì mức tăng 10% nếu tính ra có khi lên đến hàng chục triệu đồng.

Viện phí tăng 10% tác động không nhỏ đến những bệnh nhân không có thẻ BHYT và bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao. Ảnh: HTD

Gánh nặng cho người bệnh nặng, mạn tính

Tại BV 115, bà Nguyễn Thị Duyên (69 tuổi, ngụ Long An) vừa khám bệnh cao huyết áp vô căn và lấy thuốc xong. Hỏi bà có biết viện phí tăng không, bà lắc đầu. Lật hóa đơn tính tiền, bà mới biết tiền công khám là 17.000 đồng (tăng 2.000 đồng), tiền thuốc gần 359.000 đồng (đợt khám trước 303.000 đồng). Tổng cộng bà Duyên đồng chi trả 75.000 đồng (20% đối với BHYT tự nguyện). Bà nói: “Viện phí tăng chút chút thì chịu nổi, còn lâu dài không biết sao”.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân nặng, mạn tính, viện phí tăng không chỉ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh mà cả lên sinh hoạt thường ngày của họ.

Cũng tại BV 115, khoa Nội thận, bà Ngọc Nga (ngụ quận 12, TP.HCM) đang đưa chồng đi chạy thận. Bà Nga cho biết: “Chồng tôi được phát hiện suy thận cách đây hai tháng. Do không có BHYT, hai tháng qua viện phí của chồng tôi là 20 triệu đồng. May là tháng này đã kịp có BHYT. Tuy vậy mới sáng nay thôi tôi đã ứng cho BV 2 triệu đồng rồi”.

Bà Nga cho biết từ ngày chồng đổ bệnh, công việc may vá của bà đành gác lại, nguồn thu nhập gia đình coi như không còn. Bà còn đứa con năm nay học lớp 9. Khi đề cập đến viện phí tăng, bà chỉ biết thở dài.

Tại BV Ung bướu, bà Dương Thị Đầm (73 tuổi, ngụ Bến Tre) bị ung thư cổ tử cung cho biết vừa xạ trị xong 25 tia. Chi phí tiền xạ trị là 10 triệu đồng nhưng đây là kỹ thuật cao nên bà phải đồng chi trả 50% BHYT, tức 5 triệu đồng. Giờ bà phải tiếp tục điều trị ba “kim” nữa, mỗi “kim” tốn hơn 2,6 triệu đồng nhưng chưa có tiền đóng. “Viện phí tăng thì tội hai con tôi, chúng làm thợ hồ, tiền đâu, bao nhiêu năm nay cũng phải ráng chạy lo cho mẹ” - bà Đầm chia sẻ. Bà Đầm cũng cho biết nếu ở BV không có những phần cơm chay, ly sữa từ thiện thì bà càng khó khăn hơn.

Với bệnh nhân Thi Văn Mạng (52 tuổi, ngụ Long An) đang điều trị bướu tuyến giáp tại BV Ung bướu thì mong muốn của ông là khi viện phí tăng làm sao rút ngắn thời gian điều trị. Theo ông Mạng, tuy việc tiếp đón, phục vụ bệnh nhân của BV có tốt hơn nhưng việc mỗi lần khám bệnh có làm siêu âm, xét nghiệm là phải mất… ba ngày khiến ông phải “chạy lên chạy xuống”, từ đó chi phí cũng phát sinh thêm. “Do vậy cần làm sao rút ngắn thời gian hơn nữa cho bệnh nhân đỡ cực” - ông Mạng nói.

Tăng 500-600 y bác sĩ để phục vụ bệnh nhân

Nhận định về đợt tăng viện phí lần này, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115, nhìn nhận những bệnh nhân sử dụng những thủ thuật, kỹ thuật cao sẽ bị tác động nhiều nhất. Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý những bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú trước ngày 1-6 vẫn được tính theo giá viện phí cũ.

BS Phú cũng cho rằng để nâng chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian điều trị nhằm giảm chi phí cho người bệnh, BV đã cập nhật phần mềm vi tính quản lý khám chữa bệnh, tập huấn cho nhân viên. “Đây là lần thứ hai điều chỉnh viện phí nên nhân viên đã quen thuộc. Việc nâng cao chất lượng làm hài lòng người bệnh là công việc làm thường xuyên chứ không phải điều chỉnh viện phí mới làm” - TS-BS Phú nhấn mạnh.

Tại BV Ung bướu, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, cũng cho biết đây là đợt điều chỉnh theo lộ trình, do vậy BV đã có sự chuẩn bị. Về vấn đề nâng cao chất lượng làm hài lòng người bệnh, BV đã tăng bàn khám, tăng quầy thu, tăng ô phát thuốc, nâng cao tay nghề cho y bác sĩ. Từ 3-4 năm nay, BV đã tăng 500-600 y bác sĩ chuyên khoa để phục vụ cho hàng ngàn người bệnh ung thư.

Tiến tới BV siêu âm trong ngày

Tuy nhiên, theo BS Minh, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian điều trị là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai.

BS Minh tâm tình dù BV đã có nhiều cố gắng nhưng cơ sở vật chất BV không thay đổi được, nhiều năm liền khu kỹ thuật cao và cơ sở 2 chưa được khởi công. Về máy siêu âm, trước đây BV có bốn máy từ nguồn ngân sách, trong đó một cái đã hư, ba cái còn lại chất lượng trung bình. Một bệnh nhân muốn siêu âm phải chờ 1-2 tuần. Mấy năm nay BV đã đẩy mạnh xã hội hóa, mua thêm bốn máy siêu âm mới nên giờ bệnh nhân chỉ chờ tối đa 3-4 ngày.

“Chúng tôi đang tìm cách tiến tới là BV siêu âm trong ngày, kể cả nội trú và ngoại trú. Ngoài ra, chúng tôi chuẩn bị tuyển thêm nhân sự siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, xét nghiệm, giải phẫu bệnh… Mục đích cuối cùng là để bệnh nhân không phải chờ đợi” - BS Minh nói.

Mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp

Trong đợt điều chỉnh viện phí này có 477 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) tăng từ mức 75% lên 85% so với khung giá tối đa được duyệt; 1.519 DVKT tăng từ mức 65% lên 75%. Theo lộ trình, đến tháng 6-2016, tất cả DVKT sẽ điều chỉnh tăng đúng 100%.

Tuy nhiên, mức viện phí điều chỉnh lần này cũng chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là thuốc, vật tư; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng. Còn lại bốn yếu tố là tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn; khấu hao; đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa được tính. Bộ Y tế đang tính toán sẽ đưa lương y, bác sĩ vào giá viện phí và dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2016.

Riêng đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; các dịch vụ kỹ thuật đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì được thu theo giá được tính đầy đủ các yếu tố chi phí và có tích lũy. Các đơn vị phải công khai phần chênh lệch giữa giá này và giá được BHYT thanh toán để người bệnh biết và lựa chọn.

Tiêu điểm

Theo giải thích của ngành y tế TP.HCM, đợt tăng viện phí này nằm trong lộ trình thực hiện Thông tư liên tịch 04/2012 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Theo đó, từ 1-6-2014 viện phí tăng đợt 1 và từ 1-6-2015 tăng đợt 2. Đợt 3 dự kiến sẽ tăng vào 1-6-2016.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm