Sốt xuất huyết tăng, nhiều trẻ biến chứng sốc

TP.HCM và các tỉnh lân cận đang ở giữa mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở người phát triển.

SXH nguy hiểm khi có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ gặp biến chứng của SXH càng lớn.

Nguy kịch vì tái nhiễm sốt xuất huyết

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), nơi đây đang điều trị nội trú và ngoại trú cho 50 trường hợp mắc SXH, trong đó có năm trẻ có hội chứng sốc nặng, phải điều trị hồi sức tích cực và 20-30 trẻ được truyền dịch, theo dõi biến chứng của SXH.

TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết trong năm trẻ sốc SXH có ba trẻ lớn và hai trẻ nhũ nhi, trong đó có ba bé bị sốc nặng kèm suy hô hấp. Điển hình là trường hợp bé TGH (12 tuổi, ở TP.HCM) bị sốt cao liên tục ba ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngày thứ ba, bé than mệt kèm đau bụng nhiều nên được đưa vào BV Nhi đồng 1. Khi vào viện, bé bị trụy tim mạch nặng, mạch với huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Tiền căn bé từng bị SXH dengue một lần cách đây ba năm.

Sau gần bốn ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Hiện bé đã được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng các cơ quan phục hồi, cho thở ôxy và chuyển lên Khoa SXH.

Không rời mắt khỏi bé CTD (tám tuổi, ngụ quận Bình Tân) nằm mê man trên giường bệnh ở Khoa SXH BV Nhi đồng 1, chị Cao Lệ Ngọc Dung, mẹ bé, lo lắng chia sẻ: Ban đầu bé sốt, gia đình chỉ nghĩ bé bị cảm sốt thông thường nên mua thuốc hạ sốt cho uống. Sau khi uống thuốc, bé hạ sốt nhưng sáng sớm hôm sau, bé sốt cao lại nên chị cho bé đi khám ở phòng mạch và được chẩn đoán viêm mũi họng. Tuy nhiên, tình trạng của bé không cải thiện nên gia đình cho bé nhập viện và được chẩn đoán SXH. Theo chị Dung, xung quanh khu vực nhà chị sinh sống có nuôi nhiều thú nên hay có nhiều muỗi.

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH BV Nhi đồng 1, cho biết bé D. được đưa vào viện trong tình trạng mắc SXH ngày ba ở giai đoạn nguy hiểm trên nền trẻ thừa cân. Bé có kết quả thử máu bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm. Sau khi nằm viện được một ngày, bé bắt đầu có dấu hiệu lừ đừ, mệt nhiều, nhợn ói, kèm theo thay đổi các dấu hiệu tri giác nên chuyển phòng cấp cứu điều trị. “Hiện tại bé được truyền dịch, theo dõi biến chứng não, tri giác” - BS Tuấn nói.

Tại BV Nhi đồng 2, BS CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết số ca mắc SXH đang có xu hướng tăng lên, khoa đang điều trị cho 25 ca mắc. Có một số ca nặng từ các tỉnh lân cận TP.HCM như Tây Ninh, Bình Dương chuyển lên.

Theo BS Việt, trong các ca nằm viện thì có khoảng 10% có thể diễn tiến nặng như mạch, huyết áp tụt, ói và đi cầu ra máu, cần phải có hỗ trợ y tế.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH BV Nhi đồng 1, bệnh SXH có các biểu hiện sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi, da niêm xung huyết, trở nặng vào ngày thứ ba và thứ năm khi bệnh nhân bớt sốt.

Theo BS Tuấn, nếu bệnh nhân đột ngột sốt cao hai ngày không hạ, chưa loại trừ nguyên nhân SXH thì cần đưa bé nhập viện để chẩn đoán, điều trị. Hầu hết bệnh nhân SXH có thể được cho điều trị tại nhà, không cần nhập viện. Bệnh nhân cần đi khám bệnh mỗi ngày, theo dõi các dấu hiệu bệnh. Bệnh có thể trở nặng vào ngày thứ ba đến thứ năm khi bệnh nhân bớt sốt cho nên phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu trong vòng 24 giờ sau đó. “Nếu bệnh nhân không khỏe hơn, lừ đừ, mệt mỏi nhiều hơn, buồn nôn, nôn ói, đau bụng nhiều hoặc xuất huyết bất thường, chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo ở trẻ gái tuổi dậy thì, cần cho bé nhập viện ngay lập tức để khám và điều trị kịp thời” - BS Tuấn lưu ý.

Hoàn toàn điều trị được ở tuyến cơ sở

Bệnh SXH hoàn toàn điều trị được ở tuyến cơ sở nên phụ huynh yên tâm cho bé nhập viện, trừ những trường hợp quá khả năng điều trị thì tuyến địa phương sẽ hội chẩn với tuyến trên để chuyển viện cho bé. Tại BV Nhi đồng 1, công tác sàng lọc COVID-19, cách ly tránh lây chéo cho các bé đang được thực hiện kỹ càng nên phụ huynh yên tâm đưa bé đi khám bệnh.

TS-BS NGUYỄN MINH TUẤN, Trưởng khoa SXH BV Nhi đồng 1 

Theo BS Tuấn, các trẻ nhũ nhi, thừa cân, có bệnh mạn tính như tim, phổi, gan, thận khi mắc SXH sẽ bị trở nặng nhiều hơn, khó điều trị hơn thông thường. Gia đình đơn chiếc, khó có khả năng theo dõi bệnh nhân ở nhà hoặc ở nhà xa cần ở phòng lưu điều trị trong ngày hoặc nhập viện từ ngày thứ ba trở đi để theo dõi tình trạng của bệnh.

Theo BS Tuấn, virus Dengue gây bệnh SXH có bốn chủng nên người mắc SXH rồi vẫn có thể mắc lại. Mỗi người có thể mắc SXH bốn lần trong đời tương ứng với bốn chủng virus Dengue. Ở lần tái nhiễm SXH, bệnh nhân thường có khuynh hướng trở nặng hơn nên không được lơ là, chủ quan.

Trẻ khi mắc SXH cần uống nhiều nước chín đun sôi để nguội, hoặc pha với dung dịch bù nước oresol, nên ăn các loại thức ăn dễ nuốt như cháo, súp, tránh thức ăn hoặc trái cây có màu nâu đen, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa khi bé ói ra máu.

TP.HCM ghi nhận 500 ca mắc mỗi tuần

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện tại mỗi tuần có khoảng 500 bệnh nhân mắc SXH điều trị nội trú và ngoại trú. Mặc dù số ca mắc SXH thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng HCDC cảnh báo số ca mắc sẽ tăng mạnh nếu người dân lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các biện pháp phòng, chống SXH đều dễ thực hiện, “không có lăng quăng, không có SXH”. Mỗi gia đình nên dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Các vật dụng hồ, lu, phuy chứa nước khi không dùng đến cần đậy kín hoặc lật úp lại để tránh muỗi đẻ trứng nở ra lăng quăng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm