Sốt xuất huyết hoành hành ở đô thị

Đó là báo cáo tình hình dịch tễ học bệnh sốt xuất huyết (SXH) dengue tại TP.HCM  từ năm 2000 đến năm 2016 do nhóm nghiên cứu Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thực hiện tại buổi Hội thảo vaccine và bệnh truyền nhiễm được tổ chức tại Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM sáng 17-11.

Đại diện nhóm nghiên cứu, bác sĩ Lê Hồng NgaTrưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn-Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết từ năm 2000 đến năm 2016, toàn thành phố có hơn 148.000 trường hợp SXH nhập viện điều trị nội trú. Tỉ suất mắc SXH trên 100.000 dân của ba vùng nội thành, đô thị hóa, ngoại thành đều tăng theo khuynh hướng chung của toàn thành phố. Nếu như giai đoạn 2000-2004, tỉ lệ mắc SXH là 64 ca/100.000 dân thì giai đoạn 2015-2016 đã tăng lên 134 ca/100.000 dân cho thấy tỉ lệ mắc SXH đã tăng lên gấp đôi.

Vùng nội thành luôn dẫn đầu tỉ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc SXH tại vùng đô thị hóa có khuynh hướng tăng nhanh từ năm 2014 đến nay. Trong khi đó, tỉ lệ mắc bệnh của vùng ngoại thành không dao động nhiều. Phân tích trên phản ánh rõ nét đặc điểm bệnh SXH là bệnh của đô thị và của sự đô thị hóa. Vùng nội thành với mật độ dân cư đông đúc là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan bệnh SXH. Vùng đang đô thị hóa với sự thu hút nhiều dân nhập cư cùng với sự đô thị hóa ồ ạt trong khi cơ sở hạ tầng không phát triển kịp là yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện các điểm nguy cơ phát sinh dịch SXH.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: H.LAN

Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy bệnh SXH vẫn là bệnh chủ yếu của lứa tuổi dưới 15 và ở vùng đô thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 tuổi đến 24 tuổi đã tiệm cận với lứa tuổi dưới 15 và trên 25 tuổi có khuynh hướng gia tăng.

“Sốt xuất huyết dengue là vấn đề y tế công cộng hàng đầu của các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là bệnh có tốc độ lây lan nhất trong các bệnh vi rút truyền qua muỗi. Trong 50 năm qua, số ca mắc mới SXH đã tăng 30 lần. Tổ chức Y tế thế giới ước lượng toàn cầu có khoảng 50-100 triệu ca mắc mới mỗi năm và không ngừng gia tăng hằng năm. Gần một nửa dân số thế giới sống trong vùng lưu hành vi rút dengue và 75% số đó thuộc khu vực châu Á– Thái Bình Dương. Campuchia, Malaysia, Philippines và Việt Nam là bốn quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia có sự lưu hành vi-rút dengue cao nhất thế giới. Kết quả phân tích cho thấy chiến lược kiểm soát SXH hiện nay cần được tiếp tục duy trì và phát huy ở tất cả các vùng, đặc biệt và vùng nội thành và vùng đô thị hóa”, BS Nga khuyến cáo. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm