Sơ cứu người bị tai nạn giao thông tại hiện trường

“Tai nạn giao thông là thực trạng đáng quan tâm vì gây nhiều thương tích và mất mát quá lớn cho cả nạn nhân lẫn người nhà. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận được 20-30 cuộc gọi báo tai nạn giao thông. Đa phần nạn nhân được thân nhân hoặc người đi đường đưa tới BV bằng phương tiện tự túc. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp nằm tại hiện trường chờ cấp cứu 115”. BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Sơ cứu người bị tai nạn giao thông tại hiện trường ảnh 1

Nhân viên 115 sơ cứu nạn nhân gãy chân do tai nạn giao thông trước khi chuyển tới BV. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhiều chấn thương do tai nạn giao thông

. Phóng viên: Người bị tai nạn giao thông thường gặp những chấn thương nào, thưa BS?

 + BS VÕ QUANG HUY: Người bị tai nạn giao thông có thể gặp bất cứ chấn thương nào. Tuy nhiên các chấn thương đáng ngại thường gặp trong thực tế là chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, chấn thương bụng kín, chấn thương cột sống (cổ, thắt lưng), gãy xương (tay, chân... ). Nhẹ hơn là các chấn thương phần mềm, các vết thương phần mềm. Điều đáng lưu ý chấn thương ngực kín gây suy hô hấp nhanh chóng khiến nạn nhân dễ tử vong. Chấn thương bụng kín gây xuất huyết nội, vỡ tạng…

. Thưa BS, ảnh hưởng của các chấn thương nêu trên nếu cấp cứu trễ?

+ Cấp cứu chậm trễ khiến các chấn thương nặng thêm, có thể gây khó khăn cho công tác cấp cứu, thậm chí nạn nhân tử vong. Trường hợp cấp cứu được thì cũng để lại di chứng nặng nề cho người bị nạn (nhất là chấn thương sọ não, chấn thương cột sống…). Nạn nhân có thể tàn phế hoặc sống đời thực vật đến khi nhắm mắt, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nên bảo vệ hiện trường tai nạn

. PV: Không ít trường hợp thân nhân hoặc người đi đường nóng lòng sơ cứu rồi chuyển nạn nhân tới BV. Thực hiện không đúng các thao tác sơ cứu có khiến các chấn thương thêm nguy hiểm không, thưa BS?

+ Sơ cứu không đúng phương pháp có thể làm nạn nhân tử vong hoặc nặng hơn tình trạng chấn thương hiện có, kể cả gây tàn phế suốt đời.

Sơ cứu nạn nhân ngưng tim ngưng thở thì áp dụng phương pháp hồi sinh tim phổi cơ bản. Nạn nhân bị chấn thương sọ não thì giữ tư thế cố định, tránh nạn nhân tụt lưỡi ngưng thở, nhẹ nhàng nghiêng đầu sang bên… Trường hợp bị chấn thương cột sống thì cố định vị trí đầu, cổ, lưng trên một đường thẳng, tránh xê dịch.

Điều đáng lưu ý vận chuyển nạn nhân bị chấn thương cột sống sai tư thế có thể làm trật cột sống cổ, gây ngưng thở hoặc liệt tứ chi. Nạn nhân bị gãy xương nhưng cố định không đúng sẽ làm nạn nhân đau, sốc… Nhiều trưởng hợp nạn nhân bị liệt, ngưng thở, sốc vì đau, mất máu... do thân nhân hoặc người đi đường đưa đến BV không đúng cách.

 Người đi đường nên giữ hiện trường chờ nhân viên cấp cứu 115 tới xử lý chấn thương của nạn nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC.

. Lời khuyên của BS dành cho người đi đường tốt bụng khi muốn giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông?

+ Trong trường hợp này, người đi đường tốt bụng nên gọi tới Trung tâm cấp cứu 115. Sau đó ở lại giữ hiện trường chờ nhân viên cấp cứu đến xử lý, đồng thời thực hiện sơ cấp cứu người bị nạn theo hướng dẫn của nhân viên 115 qua điện thoại. Người đi đường cũng nên gọi hỗ trợ từ người dân xung quanh để giúp đỡ khi cần thiết và bảo vệ tài sản của nạn nhân.

. Xin cám ơn BS.

 

BV tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị gãy xương được thân nhân và người đi đường chuyển đến. Do không được sơ cứu trước đó, lại di chuyển không đúng phương pháp nên các đoạn xương gãy va chạm vào nhau. Điều này khiến nạn nhân dễ bị choáng, sốc, chấn thương thêm nặng. Thậm chí có trường hợp tử vong.

Tương tự, không ít nạn nhân chấn thương cột sống do tai nạn giao thông được thân nhân và người đi đường sốt ruột đưa đến BV. Do di chuyển không đúng nên chấn thương thêm trầm trọng, khó khăn trong xử lý. Có trường hợp nạn nhân bị liệt do đứt tủy, tàn phế suốt đời. Cũng có trường họp nạn nhân tử vong do sốc, đau đớn…

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm