‘Sát thủ’ não mô cầu lại xuất hiện

Sau một thời gian tạm lắng, bệnh não mô cầu xuất hiện trở lại ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM. Nếu không chủ động ngăn chặn thì bệnh có thể bùng phát thành dịch. Theo các bác sĩ, vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi họng, từ đó lan tỏa vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc đến màng não gây viêm màng não mủ, bệnh nhân tử vong rất nhanh.

Tử vong sau 42 phút nhập viện

Sở Y tế TP.HCM cho biết tại TP.HCM vừa có một trường hợp tử vong sau 42 phút nhập viện do nhiễm vi khuẩn não mô cầu (Nesseria Meningitidis). Đó là bệnh nhân BTNT (24 tuổi, nữ, ngụ quận 7). Người nhà bệnh nhân kể ngày 28-2, chị T. bị sốt cao, nổi ban màu tím ở cánh tay, toàn thân đau nhức, tự mua thuốc uống nhưng không giảm. Đến tối, bệnh nhân còn sốt cao, ban lan nhanh toàn thân, mệt mỏi, đi tiêu lỏng nhiều lần… Hôm sau (1-3), bệnh nhân đến một phòng khám tư và được chẩn đoán là… bệnh sốt xuất huyết ngày thứ hai và chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới.

 
Bệnh nhân mắc não mô cầu cần được phát hiện sớm và đưa nhanh đến bệnh viện. Ảnh: TÙNG SƠN

Tại BV Bệnh nhiệt đới, lúc này bệnh nhân trong tình trạng mạch khó bắt, huyết áp khó đo. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân đang mang thai ba tháng, chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do vi khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng ngày càng tuyệt vọng. Người nhà bệnh nhân xin về lúc 13 giờ 30 phút ngày 1-3, tức chỉ sau 42 phút nhập viện. Chẩn đoán cuối cùng kết luận bệnh nhân tử vong do bị nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể tối cấp.

Dễ lây lan nơi đông người

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết vi khuẩn não mô cầu có nhiều típ khác nhau A, B, C, W, Y… Khi xâm nhập vào máu gây ra nhiễm trùng máu, lên não gây viêm màng não mủ. Bệnh có nhiều mức từ nhẹ đến nặng và thậm chí rất nặng, có thể gây tử vong trong vòng 12 giờ.

Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh não mô cầu. Bệnh có thể bùng phát thành dịch ở các nơi tập trung đông người như trại lính, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ… “Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp do hít phải chất tiết của người bệnh. Điều nguy hiểm là người bệnh nhẹ và người lành mang vi khuẩn cũng có thể phóng thích vi khuẩn qua đường hô hấp. Khi người nhiễm vi khuẩn não mô cầu, bệnh được biểu hiện dưới các dạng như viêm họng, nhiễm trùng huyết cấp, viêm màng não và nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp” - BS Khanh nói.

Trường hợp viêm màng não, bệnh sẽ biểu hiện qua các triệu chứng sốt, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, co giật, hôn mê... và tử vong. Trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu, ngoài triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn thì triệu chứng quan trọng cần chú ý là xuất hiện tử ban ở da. Đây là các mảng hay các chấm xuất huyết sẫm màu, có lúc có màu tím đen. Các chấm hay các mảng xuất huyết này lan rộng rất nhanh tương ứng với độ nặng của bệnh. Khi thấy xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết này thì nên đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

Bệnh có thể phòng ngừa

Dịch thường xảy ra theo chu kỳ cứ khoảng một thập niên. Bệnh gia tăng khi thời tiết thay đổi (cuối mùa khô, đầu mùa mưa). Não mô cầu là bệnh có thể phòng ngừa được. Khi phát hiện một trường hợp mắc thì ngành y tế phải có kế hoạch thanh khử trùng, cho tất cả những người có tiếp xúc với người bệnh sử dụng kháng sinh phòng ngừa. Hiện nay đã có vaccine phòng ngừa bệnh này (tuy nhiên vẫn còn hai típ vi khuẩn não mô cầu chưa có thuốc chủng ngừa).

BS TRƯƠNG HỮU KHANH,
Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm