Sáng 23-7 ghi nhận 3.898 ca mắc, riêng TP.HCM 3.302 ca

Bộ Y tế sáng 23-7, cho biết tính từ 18 giờ ngày 22-7 đến 6 giờ ngày 23-7 có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước; trong đó tại TP.HCM (3.302), Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1) trong đó có 191 ca trong cộng đồng.

Lai Châu kể từ đầu mùa dịch, lần đầu tiên ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng trong giai đoạn này. Đây là ca bệnh có tiền sử về từ TP.HCM.

Tính đến sáng ngày 23-7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Chỉ sau 2 ngày tổng số ca mắc của cả nước đã từ 70.000 ca vượt lên 80.000 ca, tốc độ lây lan nhanh này càng khẳng định mức độ nguy hiểm rất lớn của biến chủng Delta.

Bộ Y tế cho biết trong ngày 22-7 có 43.720 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh COVID-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP.HCM, mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.

Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.

Tin vui cho tiến độ vaccine “made in Viet Nam”, chiều qua 22-7 Bộ Y tế và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan xem xét sớm hoàn thiện hồ sơ cấp phép khẩn cấp cho vaccine NanoCovax, đây cũng là vaccine Made in Viet Nam đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm