Rối loạn mỡ máu dễ bị đái tháo đường

Gây ra nhiều biến chứng

Theo BS Diệp, rối loạn mỡ máu là bệnh lý do tăng lượng mỡ xấu gây hại cho cơ thể và giảm lượng mỡ tốt có khả năng bảo vệ cơ thể. Tăng lượng mỡ xấu bao gồm tăng cholesterol toàn phần, tăng triglyceride, tăng LDL-c (gây lắng đọng cholesterol, hình thành mảng xơ vữa).

Sử dụng dinh dưỡng cân đối sẽ giúp điều trị hiệu quả rối loạn mỡ máu. Ảnh: TRẦN NGỌC 

Giảm lượng mỡ tốt bao gồm giảm HDL-c (vận chuyển cholesterol dư thùa trong máu về gan). "Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu do dinh dưỡng không cân đối như ăn nhiều chất béo động vật, ít vận động, béo phì. Ngoài ra còn do hút thuốc, uống nhiều bia rượu, căng thẳng trong công việc", BS Diệp lưu ý.

BS Diệp cũng cho biết, rối loạn mỡ máu dễ dẫn tới các biến chứng như bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. "Ngoài ra, rối loạn mỡ máu còn đưa đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, gan nhiễm mỡ, sỏi mật, đái tháo đường", BS Diệp nói.

Cân đối dinh dưỡng, tăng cường vận động

"Để giảm lượng mỡ xấu và các nguy cơ của rối loạn mỡ máu, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, tăng cường vận động, ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia", BS Diệp khuyên.

Tập dưỡng sinh là phương pháp giúp hạn chế rối loạn mỡ máu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bệnh nhân thừa cân, béo phì cần nhanh chóng giảm cân, giảm lượng chất béo dưới 25% so với tổng năng lượng trong bữa ăn hàng ngày. Nên ăn đậu hũ, thịt nạc, cá ba lần trong tuần, thịt gia cầm (bỏ da).

Cạnh đó cũng nên sử dụng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu mè...), nên ăn đủ rau quả và trái cây mỗi ngày (400 gr củ và 200 gr trái cây). Nên ăn khoai, bắp, gạo không chà xát quá trắng, ngũ cốc còn nguyên vỏ để tăng cường chất xơ.

"Hạn chế sử dụng mỡ (trừ mỡ cá), dầu dừa, bơ, phô mai, phủ tạng (tim, gan, thận, óc), da (heo, gà, vịt)... lòng đỏ trứng, sữa nguyên kem. Hạn chế thức ăn chiên xào, chế biến sẵn có nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích...", BS Diệp khuyến cáo.

 Khi dùng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu phải được BS chuyên khoa tư vấn và chỉ định. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ngoài ra, tăng vận động để "đốt cháy" mỡ thừa cũng là hình thức hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu. Nên chọn các loại hình vận động phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh... Vận động ít nhất 30 phút/ ngày và thường xuyên 5 lần/tuần. Nên vận động ở mức trung bình lúc đầu và tăng dần cường độ.

"Song sau đó cần giảm dần và bỏ hẳn những thói quen có hại cho sức khỏe như ngưng hút thuốc lá, vì thuốc lá không chỉ làm gia tăng mảng xơ vữa động mạch, gây rối loạn mỡ máu mà còn gây tăng huyết áp, đái tháo đường", BS Diệp nói thêm.

BS Diệp cũng lưu ý: "Sau khi đã áp dụng các biện pháp trên trong thời gian 3-6 tháng nhưng không hiệu quả, có thể sử dụng thuốc để điều trị. Hiện nay có khá nhiều thuốc điều trị rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên mỗi nhóm thuốc có tác dụng điều trị khác nhau tùy theo bệnh lý và gây nhiều tác dụng phụ như viêm gan, tiêu chảy, đau đầu, đau cơ... Vì vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân thủ theo chỉ định điều trị cảu BS chuyên khoa".

Kết quả khảo sát mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy người Việt Nam trưởng thành có tỉ lệ rối loạn mỡ máu khá cao: 29% tăng cholesterol và hơn 34% tăng triglyceride. Người dân ở thành thị bị rối loạn mỡ máu chiếm 45%.
 BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

Giám đốcTrung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm