Rất cần hệ thống y tế tư nhân ở TP.HCM tham gia điều trị ca bệnh COVID-19

Sáng 21-7, PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết các bệnh viện (BV) điều trị COVID-19 của TP.HCM hiện đang quá tải, do đó rất cần có các chính sách để hệ thống y tế tư nhân có thể tham gia điều trị và chăm sóc ca bệnh COVID-19.

“Thực tế cho thấy hệ thống y tế tư nhân và công lập đã sát cánh trong sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Hệ thống y tế tư nhân đã tham gia đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nên tích lũy khá nhiều kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống liên quan dịch bệnh, kể cả điều trị ca bệnh COVID-19” – bà Anh Thư nhận định.

Một ca bệnh COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Thêm một điều đáng quan tâm là người mắc COVID 19 ngoài phải cách ly triệt để do khả năng lây lan cao còn được quyền chọn BV điều trị và trả phí cho dịch vụ họ đã chọn. TP.HCM nên cho phép các BV tư được tham gia điều trị COVID-19 như cách họ đang điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý khác với điều kiện phải đảm bảo đúng những quy định về cách ly và phòng ngừa” – bà Anh Thư nêu quan điểm.

Liên quan thí điểm F1 cách ly tại nhà, bà Anh Thư cho rằng Bộ Y Tế có hướng dẫn rất cụ thể việc này và F1 được cách ly tại nhà trong giai đoạn hiện nay là một chủ trương đúng đắn. Các cơ sở cách ly tập trung hiện tại đều quá tải, không đảm bảo phòng chống lây nhiễm giữa các F1.

“Theo tôi, có thể áp dụng hướng dẫn này cho cả F0 có tải lượng virus thấp (CT>=30), chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bởi khi chưa có triệu chứng hoặc có một số triệu chứng nhẹ, F0 cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, sống trong môi trường yên tĩnh, sạch sẽ… Một khi tâm lý thoải mái, F0 có thể vượt qua những tình huống xấu nhất” – bà Anh Thư nói.

Bà Anh Thư cho rằng nếu đưa F0 chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly tập trung nhưng không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu sẽ làm tăng nguy cơ chuyển từ không triệu chứng thành bệnh, từ bệnh nhẹ sang bệnh nặng.

“Do vậy, ngay khi có kết quả PCR dương tính với CT>=30 (tải lượng virus thấp, nguy cơ lây truyền rất thấp), có thể cho phép F0 cách ly tại nhà nếu đạt được các điều kiện. Làm được điều ngày, nguy cơ F0 “vượt rào” trốn cách ly sẽ không còn vì lúc này F0 hiểu được họ đang bệnh và có thể diễn tiến nặng nếu không tuân thủ hướng dẫn của y tế” – bà Anh Thư nói rõ thêm.

Cũng theo bà Anh Thư, điều quan trọng là phải hướng dẫn F0 biết cách theo dõi triệu chứng tại nhà để nhập viện sớm khi có diễn tiến bệnh. Một số nước (Mỹ chẳng hạn) cho phép các phòng khám tư nhân theo dõi điều trị F0 nhẹ tại nhà và hướng dẫn F0 nhập viện ngay khi bệnh diễn tiến,

Việc cho phép F0 nguy cơ thấp, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà sẽ giúp TP.HCM giảm áp lực cho các BV. Điều này giúp bảo vệ được nguồn lực y tế để dồn sức điều trị cho các F0 nặng, giảm tỉ lệ bệnh chuyển nặng và tử vong do quá tải nguồn lực. Ngoài ra, còn một điều lưu ý là hiện vẫn còn rất nhiều bệnh nhân không phải COVID-19 cũng cần được chăm sóc y tế. Nếu thiếu nguồn lực y tế, những bệnh nhân này sẽ thiếu sự chăm sóc cần thiết.

Ca bệnh COVID-19 không cần mặc bảo hộ

Virus SARS-CoV-2 có thể lây cho nhân viên y tế qua giọt bắn từ ca bệnh COVID-19 hay do tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh trong quá trình chăm sóc. Do vậy, nhân viên y tế phải mang đồ bảo hộ để virus không đi vào quần áo và cơ thể.

Trong khi đó, người đã mắc COVID-19 mặc đồ bảo hộ sẽ không bảo vệ chính mình và cũng không “chặn” được virus không ra ngoài để lây người khác. Hiện Sở Y tế TP.HCM đã có công văn hướng dẫn việc vận chuyển bệnh nhân F0. Trong đó ghi rõ F0 không cần mặc đồ bảo hộ trong lúc vận chuyển. Tuy nhiên, F1 hoặc nghi ngờ F0 phải mặc bảo hộ khi vận chuyển vì lúc đó chưa xác định thật sự nhiễm hoặc không nhiễm.

PGS-TS-BS LÊ THỊ ANH THƯ, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm