Quận 2: Khám phá tâm bệnh, chữa không cần thuốc

BV quận 2 (TP.HCM) được xem là nơi đầu tiên cả nước có mô hình phòng khám thuộc khoa Tâm lý học lâm sàng, áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu hoàn toàn không dùng thuốc. Tại đây, bệnh nhân được chuyên gia tâm lý lâm sàng khơi gợi vấn đề thông qua trò chuyện và đồng hành cùng họ để giải quyết vấn đề.

“Bác sĩ ơi, tôi bị bệnh gì?”

Điển hình là trường hợp của bà BTMN (85 tuổi, quận 9) sau khi đi thăm khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc vẫn không hết bệnh. Trong một lần vào khám ở BV quận 2, bà xin nhập viện do thời gian gần đây hay tức ngực, ngất xỉu, tim đập nhanh, khó thở, vã mồ hôi, kèm theo đó là hàng loạt bệnh sử tiểu đường, thiếu máu, mổ dạ dày… Sau thăm khám không tìm ra bệnh, đồng thời căn cứ vào biểu hiện của bệnh nhân, bác sĩ khoa Nội nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề tâm lý và nhờ bác sĩ tại khoa Tâm lý lâm sàng can thiệp.

Bà N. được chỉ định đến phòng khám tâm lý. Được chuyên gia tâm lý gợi mở, bà N. bộc lộ nhiều âu lo như con trai 42 tuổi chưa lấy vợ, cháu ngoại quậy phá, chồng suốt ngày đau ốm…

“Nhận định sự lo lắng quá mức chi phối bệnh tình của bệnh nhân, tôi lên lịch tư vấn cho bà N. hai lần/tuần, mỗi lần vài chục phút. Kèm theo đó tôi cho bệnh nhân tập hít thở bốn nhịp nhằm giải tỏa lo âu. Đồng thời phối hợp với chuyên khoa tâm thần kinh, gọi các thành viên trong gia đình bệnh nhân để giải thích về bệnh tình người thân của họ. Kết quả, sau vài tuần bà cụ khỏe mạnh và không còn những triệu chứng khi nhập viện nữa” - ThS-BS Nguyễn Ngọc Diệp cho biết.

BS Diệp cho biết thêm: “Nếu như chưa có khoa Tâm lý lâm sàng, trường hợp bà N. sẽ rơi vào trong vòng luẩn quẩn ở các khoa tâm thần kinh. Bệnh nhân đến khám, lấy toa mua thuốc, quay về rồi lại tái khám. Trong khi đó nguyên nhân phát sinh bệnh thì không được giải quyết”.

ThS-BS Nguyễn Ngọc Diệp đang trò chuyện với bệnh nhân tại phòng khám tâm lý lâm sàng. Ảnh: HP

Cũng có trường hợp bệnh thêm trầm trọng do người nhà chưa đánh giá được tầm quan trọng của tâm lý trị liệu. Chẳng hạn trường hợp bệnh nhân TNNL (42 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), bị trầm cảm cách đây 14 năm sau khi sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, lúc đó bệnh nhân chưa hiểu biết về bệnh tình của mình. Sau khi sinh con thứ hai, chứng trầm cảm của chị L. chuyển nặng phải đến khoa thần kinh và cả bệnh viện tâm thần. Chị L. dùng thuốc nhiều đợt thì tạm ổn nhưng ngưng một thời gian lại rơi vào tình trạng cũ.

BS Diệp kể chị L. thường xuyên ngất xỉu, được đưa vào cấp cứu ở BV quận 2 nhưng không tìm ra bệnh. Sau nhiều lần, bác sĩ cấp cứu liên hệ với khoa Tâm lý lâm sàng. Bệnh nhân được xác định bị sang chấn tâm lý, trầm cảm nặng dẫn tới ngất đột ngột. “Do không được hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh nhân chỉ khám rồi uống thuốc khiến tình trạng lặp lại theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa” - BS Diệp nói.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo BS-TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, BV quận 2, thực tế hiện nay các bệnh viện chú trọng điều trị bệnh thực thể hơn và thường bỏ qua các vấn đề tâm lý. Điều này khiến việc điều trị càng kéo dài. Do vậy, Ban giám đốc BV quận 2 đã tâm huyết xây dựng khoa Tâm lý lâm sàng nhằm mục đích giúp bệnh nhân giải tỏa gánh nặng tâm lý. Đồng thời giúp các khoa phối hợp tốt hơn, giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Đối tượng điều trị là bệnh nhân nội trú các khoa khác hoặc bệnh nhân ngoại trú có vấn đề về tâm lý do phòng khám bác sĩ gia đình chuyển qua.

“Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nội trú nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý mà có được kết quả điều trị rất tốt. Điển hình như cô gái trẻ LTTA (20 tuổi), bị tai nạn giao thông đa chấn thương, vỡ xương chậu, mất toàn bộ thịt hai vùng mông. Bệnh nhân này rất tự ti vì mặc cảm, không muốn phẫu thuật vì sợ đau, xấu. Nhưng nhờ sự kiên trì của bác sĩ tâm lý, bệnh nhân đã mở lòng rất nhiều và hợp tác điều trị rất tốt. Bây giờ bệnh nhân hoàn toàn vui vẻ, thoải mái và trở về với cuộc sống bình thường” - BS Thuận chia sẻ.

Khó khăn trước mắt của khoa Tâm lý lâm sàng là làm sao các bác sĩ khoa Nội, khoa Ngoại nắm được những nguyên tắc về tâm lý. Khi tiếp nhận bệnh nhân họ có thể phân biệt được đâu là bệnh thực thể, đâu là bệnh tâm lý để gửi bệnh nhân cho khoa Tâm lý can thiệp sớm. Ngoài ra, do đây là ngành còn khá mới, khám chữa bệnh được xem như dịch vụ, bệnh nhân không được hưởng BHXH. Vì vậy, vấn đề viện phí vô hình trung gây khó khăn cho bệnh nhân, tạo thêm áp lực cho gia đình. “Nếu được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, tôi nghĩ tình hình sức khỏe mặt bằng chung sẽ có nhiều thay đổi” - ông Thuận đánh giá.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết ở nước ngoài, mô hình phòng khám tâm lý tại bệnh viện có vai trò rất quan trọng. Ở nước ta đã có nhiều trường hợp đau lòng khi bệnh nhân không được can thiệp tâm lý sớm. Do đó sau khi tìm hiểu nhu cầu người bệnh cùng đội ngũ nhân lực có sẵn tại bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện quyết tâm xây dựng khoa Tâm lý lâm sàng.

Hiện tại nhân sự của khoa gồm bốn thạc sĩ, bác sĩ và một điều dưỡng. Mỗi ca trực tiếp nhận 3-4 bệnh nhân. Bệnh nhân của khoa khá đa dạng, từ nhiều khoa khác chuyển tới.

____________________________

Khoảng 15% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, trong đó 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng. Đây là vấn đề đáng lo, vì cứ 100 bệnh nhân đến bệnh viện sẽ có khoảng 15 người kèm theo các rối loạn tâm thần.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm