Quá tải bệnh viện và nghịch lý của ngành y

Các bệnh viện (BV) nhìn nhận tình trạng quá tải ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, chất lượng khám chữa bệnh của bác sĩ và bệnh nhân. Tuy nhiên, giảm tải sao cho cân đối nguồn thu cũng là bài toán vô cùng khó trong tình hình giá viện phí vẫn chưa tính đúng, tính đủ.

Chờ 4,5 tháng mới được xạ trị

BV Ung bướu TP.HCM là một trong những BV luôn luôn quá tải ở TP.HCM. Thực hiện nhiều giải pháp giảm quá tải, theo BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, hiện tình trạng quá tải đã giảm từ 200% xuống 150%, trong đó 75% là người dân ở các tỉnh. Dù đã cố gắng đầu tư máy xạ trị mới nhưng BV vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người bệnh, có những khu vực bệnh nhân phải chờ 4,5 tháng mới được xạ trị.

Tại BV Từ Dũ, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV, cho biết tỉ lệ bệnh nhân ở tỉnh chiếm trên 50%. Theo BS Nhi, có những bệnh phụ khoa lành tính, đơn giản, không cần thiết phải đến BV tuyến cuối nhưng bệnh nhân vẫn tìm tới... Chủ trương của Bộ Y tế mỗi bàn khám phụ khoa lý tưởng nhất chỉ nên 30-35 bệnh nhân/ngày nhưng ở BV Từ Dũ, mỗi bác sĩ khám phụ khoa trung bình khoảng 45-50 bệnh nhân, thậm chí ngày đầu tuần con số này có thể lên đến 55-60.

Tại BV Chợ Rẫy, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết là tuyến cuối, theo nguyên tắc khám chữa bệnh, BV không thể từ chối bệnh nhân. BV đã tận dụng hành lang làm phòng khám, bệnh nhân nội trú phải nằm hành lang nhưng vẫn không còn chỗ. Có nhiều người bệnh mệt mỏi chờ không nổi nên phải qua BV khác dù rất muốn chữa trị tại BV. “BV Chợ Rẫy phải dùng từ đáp ứng với tình trạng quá tải chứ không phải là giảm tải” - BS Việt bày tỏ.

Rất đông người bệnh chờ đến lượt khám bệnh ngoại trú tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HL

Tăng bệnh nhân mới bù chi nổi

Quá tải ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên khi giảm tải, các BV tự chủ tài chính nhận định sẽ đối mặt không ít khó khăn, thu không đủ bù chi.

Phân tích cho việc này, BS Phạm Thanh Việt cho biết hiện các BV được giao tự chủ tài chính nhưng giá viện phí chỉ mới bao gồm bốn chi phí trong bảy chi phí. Tuy nhiên, ngay cả bốn chi phí được tính cũng chưa đủ. Cụ thể, viện phí mới chỉ tính chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng cho bệnh nhân, tiền lương cho nhân viên trực tiếp khám chữa bệnh, phụ cấp, tiền văn phòng phẩm, bảo hành, bảo trì thiết bị trực tiếp sử dụng cho bệnh nhân nhưng chưa tính các khoản khác như khấu hao tài sản, khấu hao thuốc, chi phí đào tạo và chi phí cho hệ thống gián tiếp như quản lý, phòng hành chính...

Năm 2016, viện phí đã được điều chỉnh tăng nhưng thực chất đó chỉ là điều chỉnh đưa tiền lương cơ sở, phụ cấp của nhân sự trực tiếp khám chữa bệnh vào giá viện phí thay vì trước đây từ nguồn khác. Các cơ cấu được thu trong giá viện phí được tính từ năm 2012 nhưng đến nay lương cơ bản, điện, nước... đã tăng nhiều lần nhưng vẫn chưa được điều chỉnh, BV vẫn phải trả lương và thu nhập tăng thêm cho đội ngũ.

Đợt điều chỉnh giá viện phí mới đây lại tiếp tục giảm giá, đặc biệt là giá khám bệnh hạng đặc biệt từ 39.000 đồng xuống còn 33.100 đồng và không thanh toán lượt bệnh nhân từ 66 trở đi/bàn khám, lại tiếp tục gây khó cho BV. Tính ra việc điều chỉnh giá khám bệnh này có lợi cho bệnh nhân không đáng kể. Bệnh nhân BHYT 80% thì giảm chưa tới 1.200 đồng/lượt khám bệnh, còn bệnh nhân BHYT 100% thì không có lợi đồng nào. BV không được từ chối bệnh nhân nhưng từ lượt khám bệnh thứ 66 trở đi BV lại không được thu tiền khám nhưng BV vẫn phải tốn các chi phí cho hoạt động khám bệnh, nhân viên BV phải bỏ công thực hiện và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với những bệnh nhân này. Đó là chưa kể khoản chi phí trách nhiệm đối với bệnh nhân (bảo hiểm nghề nghiệp), vì khi có sai sót dẫn đến tai biến thì chi phí bồi thường cho bệnh nhân là khá lớn.

Do vậy, điều nghịch lý là tình trạng quá tải đã giúp BV phần nào trang trải lương, thu nhập cho nhân viên.

Quyết liệt tăng thương hiệu tuyến dưới

Để giải quyết tình hình quá tải bệnh nhân, các BV nhận định không chỉ cải tiến quy trình khám chữa bệnh và hợp tác giảm tải tại BV mà còn phải tăng thương hiệu cho tuyến dưới.

BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho hay BV Từ Dũ là BV hạt nhân cho 10 BV vệ tinh thuộc khu vực phía Nam và hai BV huyện Củ Chi, Hóc Môn của thành phố. Các BV tuyến dưới được hướng dẫn kỹ thuật với kỳ vọng sẽ điều trị được các bệnh phụ khoa thông thường, lành tính, tầm soát ung thư, thực hiện các phẫu thuật đơn giản, không phải chuyển lên tuyến trên.

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn liên quan đến việc nhận kinh phí cho BV hạt nhân để tổ chức huấn luyện đào tạo thường bị chậm, thực thi các mục tiêu đề ra thường bị trễ, không đúng thời hạn. Ngoài ra, tuyến dưới muốn được chuyển giao nhiều kỹ thuật nhưng nhân lực, cơ sở vật chất không đầy đủ. Lực lượng được chuyển giao thường xuyên biến động và có tình trạng chảy máu chất xám ở BV công. Cơ sở vật chất phải chờ đấu thầu tập trung nên học năm này, năm sau mới triển khai trong khi hệ thống ngoài công lập mua cái gì cũng dễ, không vướng đấu thầu.

Đối với BV Chợ Rẫy, một trong những giải pháp đạt hiệu quả cao là hợp tác với các BV có công suất hoạt động chưa hết để chuyển bệnh nhân đến điều trị. Bệnh nhân vẫn được bác sĩ BV Chợ Rẫy khám bệnh, điều trị hằng ngày. Tuy vậy, mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn như phải được sự tự nguyện của người bệnh, giữa hai BV chưa có cơ chế hành chính. Đặc biệt, khó nhất là quy định sử dụng thuốc theo hạng BV. Do BV Chợ Rẫy là hạng đặc biệt nên danh mục thuốc có khác nên nếu tiếp tục sử dụng thuốc như của BV Chợ Rẫy thì bệnh nhân phải mua và không được BHYT chi trả.

Tính đúng, tính đủ để tạo cú hích

Muốn tháo gỡ quá tải phải bắt nguồn từ việc tháo gỡ cơ chế viện phí, tính đúng, tính đủ và mức thu nhập của nhân viên y tế phù hợp với mặt bằng xã hội, đúng giá trị của ngành y. Một khi tính đúng, tính đủ viện phí, cả phần chi phí đầu tư phát triển và mức lương phù hợp, các BV sẽ thoải mái bố trí nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất giải quyết quá tải, chăm sóc bệnh nhân chu đáo hơn, các BV cạnh tranh chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ để giữ bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được lợi hơn. Bên cạnh đó, BV cũng sẽ có nguồn thu chăm lo an sinh xã hội cho người nghèo tốt hơn.

Với đề án BV vệ tinh, cần ưu tiên chuyển giao các kỹ thuật mang tính thiết yếu cho người dân địa phương, các kỹ thuật đúng tuyến nhưng BV tuyến đó chưa làm được, kỹ thuật cần thiết cho số lượng đông bệnh nhân địa phương, rồi mới đến hoặc song song với các kỹ thuật cao của tuyến trên.

BS PHẠM THANH VIỆT

Thí điểm nâng chất lượng trạm y tế

Thời gian qua các BV quận, huyện đã có nhiều giải pháp thu hút người bệnh, nổi bật nhất là các BV quận Thủ Đức, quận 2, Tân Phú, Bình Tân và gần đây nhất là BV quận 11.

Nếu không tăng năng lực BV quận, huyện thì các BV TP sẽ càng quá tải. Tuy nhiên, việc người dân được hưởng liên thông BHYT tuyến quận, huyện lại là thách thức lớn. Các nước phát triển có quy định người dân không tự ý đến BV mà phải đến các trạm y tế, phòng khám tư nhân, có giấy giới thiệu các BV mới tiếp nhận nên giảm được đáng kể người bệnh. Ở Việt Nam chưa áp dụng được mô hình này bởi trạm y tế chưa tạo niềm tin cho người dân. Do đó, TP đang đẩy mạnh nâng chất lượng và tăng nhân lực cho trạm y tế, phấn đấu đến năm 2020, mỗi trạm có hai bác sĩ và sáp nhập BV quận huyện với trạm y tế, bác sĩ ở BV quận, huyện sẽ luân phiên xuống trạm. Ngoài ra, tập huấn nâng cao năng lực cho bác sĩ trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế thí điểm đổi mới theo nguyên lý y học gia đình, TP được chọn ba trạm nhưng TP chủ động thí điểm thêm 21 trạm nữa, tương đương mỗi quận, huyện có một trạm. Nhiệm vụ của các trạm này là hợp tác dự phòng, hướng dẫn giáo dục sức khỏe, cách phòng bệnh, khám, quản lý bệnh, tập trung bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường nhằm giảm quá tải cho các BV khác, quản lý sức khỏe của từng người dân, tiến tới mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe.

Việc giảm tải sẽ gây nhiều khó khăn cho các BV. Do đó, các BV có thể giảm tại cơ sở 1 nhưng tăng chỗ khác bằng cách phối hợp với cơ sở khác, kể cả công hoặc tư hoặc mở cơ sở mới. Nhiệm vụ chính của BV ở TP là phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đây cũng sẽ là một nguồn thu đáng kể, tuy nhiên cần đòi hỏi thời gian. Giảm số lượng bệnh thông thường, phát triển kỹ thuật chuyên sâu là định hướng lâu dài mà các BV phải làm.

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

HOÀNG LAN ghi

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm