Phương pháp mới: Dùng laser điều trị nhiều bệnh phụ nữ

Ngày 15-8, BV Từ Dũ TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng Laser Er:Yag trong điều trị rối loạn chức năng sàn chậu nữ”. Theo thống kê của Hội sàn chậu học TP.HCM, hiện có khoảng 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với biểu hiện són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với triệu chứng sa tử cung, sa bàng quang và sa trực tràng. Bên cạnh đó còn có những biểu hiện khác như rối loạn tình dục, đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng âm hộ.

Tại hội thảo, BS Nguyễn Vũ Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh BV Hùng Vương cho biết, căn bệnh này không phải nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người phụ nữ. Trước đây, để điều trị rối loạn vùng sàn chậu, các BS thường sử dụng vòng nâng nếu bị sa tạng chậu, són tiểu hoặc phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo ngại khi phải phẫu thuật nên thường né tránh.

Do đó, gần đây BV Từ Dũ và BV Hùng Vương đã áp dụng phương pháp laser Er:Yag trong điều trị rối loạn chức năng sàn chậu nữ để điều trị các triệu chứng trên. Đây là một thủ thuật laser không phẫu thuật, xâm lấn tối thiểu, được dùng để tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong thành âm đạo, cải thiện sự nâng đỡ của sàn chậu và giảm bớt các triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu. Công nghệ này đã được cấp chứng chỉ FDA và chứng chỉ EC về chất lượng và an toàn trong điều trị.

Cho biết thêm về phương pháp mới này, BS Nguyễn Thị Ái Việt phân tích, tính ưu việt của phương pháp này là nguồn năng lượng laser phát ra được kiểm soát tối đa, tạo ra sự phân bổ nhiệt tối ưu, nhiệt độ được kiểm soát chặt chẽ cho phép collagen trong các mô được tái tạo và tăng sinh mạnh mẽ. “Năng lượng laser hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới bất cứ cấu trúc quan trọng nào bên trong, không có bất kỳ sự xuyên thấu hay phá huỷ lớp niêm mạc, giúp ống âm đạo được thu nhỏ và se khít lại, ngoài ra việc tái tạo và tăng sinh collagen dưới tác động của laser sẽ giúp tăng cường chức năng của các mô liên kết, cải thiện chức năng nâng đỡ của vùng sàn chậu, dẫn đến việc làm giảm các triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu” – BS Ái Việt nói.

Sàn chậu nữ là vùng bao gồm tất cả các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xen nhau. Sàn chậu chứa 3 cơ quan: hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn) có chức năng giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy; Đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn. 

Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Với những phụ nữ ở tuổi mãn kinh, tình trạng thiếu nội tiết cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu hoặc những phụ nữ béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính cũng có nguy cơ rối loạn sàn chậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm