PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Xin duy trì ‘xây sạch, chống bẩn’

“Tôi đã hoàn thành trách nhiệm của một trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) mà UBND TP.HCM giao phó qua ba năm thực hiện mô hình thí điểm. Một khi UBND TP.HCM thấy tôi có thể tiếp tục ở cương vị này thì cho tôi làm, còn không cho tôi nghỉ. Tuy nhiên, tôi tha thiết Ban quản lý ATTP TP.HCM phải được tiếp tục duy trì và trở thành chính thức vì đây là mô hình riêng của TP có khoảng 10 triệu dân” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM (ảnh), thẳng thắn trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Tiếp tục truy cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn

. Phóng viên:Khi thành lập Ban quản lý ATTP TP.HCM, bà đưa ra chương trình hành động “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”. Vậy kết quả “xây và chống” đạt được sau hơn hai năm hoạt động là gì, thưa bà?

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan

+ PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Đối với mục tiêu “xây thực phẩm sạch”, chúng tôi tiếp tục thực hiện những đề án sau: Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn của Chi cục ATTP TP.HCM trước đây, truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TP.HCM, xây dựng mô hình chợ thí điểm thực phẩm an toàn. Những đề án nói trên góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch.

Trước khi thành lập ban, thực phẩm nằm trong chuỗi an toàn chỉ đạt 35.000 tấn mỗi năm. Con số đó sau khi thành lập ban đạt tới 200.000 tấn mỗi năm. Chúng tôi cũng kết nối đưa thực phẩm nằm trong những chuỗi an toàn vào bếp ăn tập thể của trường học, các nhà hàng, khách sạn…

Liên quan nội dung “chống thực phẩm bẩn”, trước đây các quận, huyện kiểm tra, thanh tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo hình thức liên ngành. Đa phần các thành viên trong đoàn liên ngành không được đào tạo chuyên môn ATTP. Bên cạnh đó, các thành viên hầu như kiêm nhiệm nên không toàn tâm toàn ý cho việc kiểm tra, thanh tra. Điều này dẫn đến việc kiểm tra, thanh tra ATTP thực sự không mang lại hiệu quả cao.

Sau khi thành lập thí điểm, ban đã xây dựng mô hình đội quản lý ATTP xuống từng quận, huyện. Các thành viên trong đội quản lý ATTP được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu và có khả năng phản ứng nhanh những sự cố liên quan ATTP. Sau đó phối hợp quận, huyện giải quyết để kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn.

. Hơn ba năm trước, tôi nhiều lần theo chân đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y TP.HCM ghi nhận thực tế những cơ sở sản xuất thực phẩm mất an toàn. Tuy nhiên, từ lúc Ban quản lý ATTP TP.HCM thành lập, thông tin phát hiện những cơ sở sản xuất thực phẩm gian dối vắng hẳn. Chẳng lẽ TP.HCM không còn tồn tại những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, thưa bà?

+ Tôi nghĩ tình hình có cải thiện hơn chứ còn triệt tiêu hết các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn thì chưa thể nói được. Thời gian tới ban nỗ lực nhiều hơn để truy các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn.

“Xây dựng thực phẩm sạch” là một trong những đề án trong việc cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Ảnh: HTD

Sẽ luân chuyển các đội trưởng

. Bà từng chia sẻ: “Nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là việc cho thêm phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại vào thực phẩm. Trong khi đó, việc mua bán tự do phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết được”. Tình trạng nói trên hiện giờ ra sao, thưa bà?

+ TP.HCM hiện có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong chợ Kim Biên (quận 5). Các hộ này luôn được cơ quan chức năng giám sát nên không xảy ra tình trạng bán lén lút phụ gia công nghiệp.

Tuy nhiên, rất nhiều điểm bán phụ gia thực phẩm lẫn phụ gia công nghiệp nằm quanh chợ Kim Biên và hiện vẫn chưa có quy định cấm bán lẫn lộn, do vậy không thể phạt. Thậm chí có lần một lãnh đạo Bộ Y tế vào kiểm tra cơ sở bán hóa chất thực phẩm lẫn hóa chất công nghiệp nhưng người quản lý không muốn tiếp vì cho rằng họ không làm sai.

Thành lập Ban quản lý ATTP là bước đột phá của UBND TP.HCM nhằm mục đích đảm bảo khoảng 10 triệu dân TP luôn được sử dụng thực phẩm an toàn. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khó để xác định trong thực phẩm có chứa tạp chất độc hại gì. Bởi lẽ muốn kiểm nghiệm thì phải định hướng loại độc chất muốn tìm. Không có máy móc chuyên dụng, không biết độc chất muốn tìm thì khó phát hiện độc chất có trong thực phẩm. Do vậy, cần tiến hành xây dựng sớm trung tâm kinh doanh hóa chất theo đề án của Sở Công Thương TP.HCM để dễ quản lý hoạt động kinh doanh phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp.

. Tôi từng nghe không ít phàn nàn từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM đối với các đoàn kiểm tra, thanh tra và thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của Ban quản lý ATTP TP.HCM. Nếu ban còn duy trì, bà sẽ làm gì để chấm dứt những điều tiếng không hay từ phía doanh nghiệp?

+ Chúng tôi thường xuyên luân chuyển đội ngũ thanh tra và thành phần thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chúng tôi cũng cho xác minh những thông tin liên quan từng cá nhân từ dư luận và đơn nặc danh. Nếu phát hiện cá nhân thực sự làm khó doanh nghiệp, chúng tôi chuyển công tác hoặc cho thôi việc ngay.

Trên bình diện chung, tôi nghĩ đội ngũ thanh tra của ban tương đối tốt bởi gia tăng số lượng cơ sở bị phạt và cả tiền phạt. Điều này cho thấy họ không bắt tay hoặc bao che. Tuy nhiên, tôi đã phê bình một đội trưởng khi không phạt được đồng nào trong đợt kiểm tra liên ngành mới đây.

Thời gian tới, tôi sẽ luân chuyển các đội trưởng đội quản lý ATTP quận, huyện nếu Ban quản lý ATTP TP.HCM còn tiếp tục hoạt động.

. Xin cám ơn bà.

Chưa kiểm soát chặt với kinh doanh phụ gia

“Điều đáng nói trong những lần họp Quốc hội, tôi có đề xuất đưa ra những quy định kiểm soát đặc biệt đối với kinh doanh phụ gia thực phẩm, phụ gia công nghiệp nhưng chẳng “nhúc nhích”. Không riêng phụ gia thực phẩm và công nghiệp, ngay cả acid, chất độc hại, chất tiền ma túy cũng bán đầy” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm