Ồ ạt đưa con đi cắt bao quy đầu

Theo TS-BS Lê Thanh Hùng, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, nếu như so với trước đây, số lượng bệnh nhi hẹp bao quy đầu được đưa đến BV ở mức độ bình thường thì thời gian gần đây, lượng bệnh nhi đến BV khám và cắt hẹp bao quy đầu có dấu hiệu gia tăng.

Cụ thể, mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận và phẫu thuật cho 7-10 trường hợp trẻ cần cắt bao quy đầu, trong đó số lượng bệnh nhân tồn mỗi ngày cần phẫu thuật gần 40 ca. “Do hẹp da quy đầu có thể nhận biết được, không quá phức tạp về triệu chứng do đó tình trạng trẻ hẹp bao quy đầu chiếm đến 97% trẻ em sơ sinh. Thời gian này, dù lượng bệnh nhân đến nhiều hơn trước nhưng các bệnh nhân đa phần được điều trị bảo tồn và duy trì tại khoa, số này chiếm 70%-90%. Một số khác tình trạng nặng hơn BV mới có chỉ định phẫu thuật. Nói chung cần phải cân nhắc từng ca chứ không làm đại trà, vô tội vạ” - BS Hùng cho biết.

Không phải trường hợp nào cũng tiến hành cắt da quy đầu.

Cũng theo BS Hùng, phụ huynh nên lưu ý cho con đi cắt da quy đầu khi bé đã trên ba tuổi, không cho các trẻ cắt da quy đầu khi còn quá nhỏ, nếu xảy ra biến chứng thì sẽ khó khăn cho các phẫu thuật về sau. Để phẫu thuật cắt da quy đầu an toàn, bệnh nhân cần được chăm sóc vô trùng tuyệt đối. Nếu không đảm bảo vô trùng theo quy định hoặc phẫu thuật không đúng chỉ định, kỹ thuật sẽ dễ dẫn tới tình trạng vùi dương vật (dương vật thụt vào trong) ở trẻ, nhiễm trùng, sưng viêm...

Nhiều phụ huynh cho con đi cắt da quy đầu quá sớm làm các bé bị vùi dương vật, khó khăn trong phẫu thuật về sau.

“Việc cha mẹ đưa con đến các cơ sở y tế tư nhân để cắt da quy đầu sẽ khó đảm bảo an toàn cho các bé. Vì vậy khi có con mắc hoặc nghi mắc hẹp bao quy đầu, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở đa khoa có chuyên khoa nhi, chuyên khoa tiết niệu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Sau phẫu thuật, phụ huynh cần tuân thủ quy trình điều trị nhân viên y tế hướng dẫn, tránh xảy ra những biến chứng, lây lan không kiểm soát” - BS Hùng khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm