Nước giải khát hay đồ uống không cồn?

Đầu tiên, yêu cầu rất quan trọng đối với hệ thống pháp luật là phải rõ ràng, thống nhất, dễ hiểu và dễ áp dụng. Nhưng thực tế hiện nay các quy định pháp luật nói chung trong lĩnh vực đồ uống còn khá nhiều rối rắm, chồng chéo.

Cũ-mới chồng chéo

Ngoài những quy định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện các doanh nghiệp (DN), tổ chức phải tuân thủ quy chuẩn Việt Nam QCVN 6-2:2010/BYT đối với các sản phẩm đồ uống không cồn.

Quy chuẩn này tham chiếu đến các tiêu chuẩn kiểm nghiệm liên quan nằm trong hàng chục tiêu chuẩn Việt Nam như TCVN 4884-2015, TCVN 6848:2007, TCVN 7924-1:2008… Ngoài ra, DN còn phải thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN 7041: 2009 với các quy định về kỹ thuật của đồ uống không cồn. TCVN này gần như bao phủ và chồng chéo với dự thảo TCVN về nước giải khát. Như vậy DN không biết nên gọi, phân loại, dán nhãn mác sản phẩm như thế nào. Dùng thuật ngữ “nước giải khát” hay “đồ uống không cồn” để chỉ sản phẩm của mình?

Cuối năm 1994, TCVN 5042:1994 về nước giải khát đã được ban hành để điều chỉnh các hạng mục cả đồ uống có cồn và không có cồn nhưng nó lại gộp chung các loại đồ uống vào thành “nước giải khát”. Tuy nhiên, đến năm 2008 tiêu chuẩn này đã bị bãi bỏ vì không phù hợp.  

Còn nhiều băn khoăn

Dự thảo TCVN về nước giải khát lại dường như là phiên bản của TCVN 5042:1994, việc xây dựng thêm TCVN có thể gây chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn. Đối chiếu với TCVN 5042:1994 sẽ thấy, dự thảo TCVN về nước giải khát mới không có nhiều khác biệt. Những điểm được thêm vào hầu hết đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, trong khi những điểm giống nhau lại mắc vào những sai lầm của TCVN 5042:1994.

Cụ thể, về phần tên gọi, TCVN 5042:1994 bị xóa bỏ một phần vì khái niệm không thống nhất, ở đó sử dụng khái niệm nước giải khát để điều chỉnh cả đồ uống có cồn và không cồn. Trong dự thảo mới vẫn gọi là ‘nước giải khát’ nhưng lại chỉ với đồ uống không có cồn. Như vậy khái niệm trong dự thảo không những đã không được gọi đúng tên mà còn khác biệt với các khái niệm trong QCVN 6-2:2010 và TCVN 7041: 2009. 

Hay với chỉ tiêu ‘Tổng số vi sinh vật hiếu khí’, cũng giống như TCVN 5042:1994 đã bị xóa bỏ, dự thảo ‘TCVN về nước giải khát’ tiếp tục điều chỉnh cùng nội dung chỉ tiêu đó nhưng tiêu chí lại khác biệt với TCVN 4884-2015 mới được ban hành mà QCVN 6-2:2010/BYT tham chiếu tới. QCVN quy định mức tối đa tổng số vi sinh vật hiếu khí là 100 CFU/ml sản phẩm, còn dự thảo lần này đặt ra giới hạn từ 100 đến 1000 CFU. Vậy việc thay đổi tiêu chuẩn cho cùng một loại tiêu chí có thực sự hợp lý hay không, có khiến hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn ‘dẫm chân’ nhau?

Tương tự, tiêu chuẩn khác như vi khuẩn coliform, salmonella… cũng có sự khác biệt, trong khi QCVN vẫn đang tham chiếu các TCVN về phương pháp kiểm nghiệm. Nếu dự thảo mới này ban hành, QCVN liệu có chỉnh sửa theo? Nếu QCVN không chỉnh sửa theo thì tình trạng chồng chéo tiếp tục diễn ra, DN và các cơ quan quản lý sẽ phải ứng xử thế nào trước các khác biệt?

Dự thảo TCVN về nước giải khát nếu được xây dựng trên cơ sở các bộ ban ngành thống nhất các điểm khác biệt, phù hợp với tình hình thực tế sẽ là một tín hiệu vô cùng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của DN trong ngành đồ uống. Nhưng rất tiếc bản dự thảo lại lặp lại một tiêu chuẩn lỗi thời, cái mới thì chồng chéo mà cái cũ thì lạc hậu, rất khó để được đồng tình.

“Rất mong không chỉ ở dự thảo này, mà còn với mọi văn bản quy phạm pháp luật khác, các nhà soạn thảo và làm luật cần xem xét kỹ lưỡng, toàn diện mọi vấn đề. Nếu chưa giải quyết tốt những rắc rối chồng chéo ở thời điểm hiện tại mà còn có khả năng gây ra thêm những bất cập khác thì tốt nhất chúng ta nên cẩn trọng đánh giá lại mọi mặt, không cần vội vàng. Cần tập trung tìm kiếm cho đến khi ra được giải pháp tối ưu…” - một luật sư có ý kiến

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm