Nôn ói liên tục, bé 27 tháng tuổi 50 lần nhập viện

Sau bảy ngày không ăn uống, ói liên tục, bé Châu Minh H. (27 tháng tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã dần tỉnh táo, đòi ăn liên tục. Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán bị ói chu kỳ. Sổ khám bệnh của bé ghi nhận, ngày đầu nhập viện, bé ói 50 lần, ngày thứ hai ói 35 lần, ngày thứ ba ói 23 lần… đến ngày thứ bảy bé chỉ còn ói ba lần.

Chị Hiếu - mẹ của bé H. dường như đã quen với căn bệnh của con: “Mỗi lần, trước khi cháu bắt đầu vô chu kỳ ói là tôi biết ngay, thông qua các dấu hiệu như: cháu bắt đầu không ăn, nhắc đến chuyện ăn uống là “nhợn”, nằm sấp, chổng mông lên, không thích chơi. Cháu thường hết ói vào ngày thứ tám. Nhưng cứ nửa tháng sau, cháu lại vô chu kỳ ói khác, mỗi đợt ói kéo dài đến bảy ngày. Cháu bị bệnh từ lúc vài tháng tuổi và đã nhập viện ở Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đến 50 lần.

Nôn ói liên tục, bé 27 tháng tuổi 50 lần nhập viện ảnh 1

Cứ nửa tháng bé H. lại nhập viện một lần

Theo BV Nhi Đồng 2, mỗi tuần, Khoa Tiêu hóa của BV này tiếp nhận ba-năm bé bị ói chu kỳ, mất nhiều nước, phải nhập viện để truyền dịch và cải thiện chế độ dinh dưỡng. ThS-BS Tăng Lê Châu Ngọc, Phó khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2 giải thích: "Ói chu kỳ là một bệnh lý rối loạn chức năng đường tiêu hóa không rõ nguyên nhân. Kể cả khi khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng đường tiêu hóa cũng không thấy mắc bệnh.

Các bác sĩ chỉ nhận thấy bệnh nhi có biểu hiện ói lặp đi lặp lại, tạo thành những đợt mang tính chu kỳ. Đợt nôn ói có thể lặp lại sau vài tuần đến vài tháng (tùy theo trẻ), giữa các đợt ói, bé vẫn khỏe mạnh, thậm chí các bé còn có xu hướng ăn rất nhiều để phục hồi cân nặng bị sụt trong đợt ói. Bệnh có thể khởi phát rất sớm, có bé vài tháng tuổi đã mắc bệnh, một số trường hợp sau điều trị vài lần tại BV Nhi Đồng 2, trẻ đã hết bệnh".

BS Châu Ngọc khuyến cáo, dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh nhưng y học ghi nhận, các yếu tố nguy cơ khiến 40-80% bệnh nhi khởi phát ói chu kỳ là do nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, viêm xoang), chấn thương tâm lý (bị la mắng, rầy la, đòi đồ chơi không được, bị điểm xấu ở lớp học, chuyển trường...), thời tiết quá nóng, vận động quá mức, ăn quá nhiều, bị dị ứng thức ăn như: sôcôla, phô mai, bột ngọt...

Theo BS Châu Ngọc, trước khi bước vào chu kỳ ói, trẻ thường có biểu hiện: biếng ăn, táo bón, có thể buồn, đau đầu, đau bụng, ngủ nhiều. Đến giai đoạn ói, trẻ ói mật xanh mật vàng; một ngày có khi ói chục lần, càng ép ăn trẻ càng ói. Giai đoạn này, trẻ kèm theo triệu chứng đau bụng, đau quanh rốn, đau trên rốn rất dữ dội. Hoặc trẻ còn có đau đầu, sốt nhẹ, không đi cầu nhiều ngày, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, tim đập nhanh, tăng huyết áp nhẹ.

Vì trẻ không ăn uống được nên mất nước nặng, buộc phải nhập viện truyền dịch. Vì ói cấp tính nên trẻ bị rối loạn các chất điện giải (như natri, canxi, kali, magiê…), suy thận, sụt ký, viêm dạ dày - thực quản do dịch dạ dày có tính axít trào ngược lên thực quản.

Thậm chí, ói nhiều sẽ khiến trẻ bị rách niêm mạc thực quản, ói ra máu. Khi thấy trẻ ói, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để xác định nguyên nhân, bởi cũng có thể trẻ ói do bệnh lý khác như: viêm não, viêm màng não, u não, xoắn ruột, tắc ruột, lồng ruột... phải nhập viện cấp cứu. Đối với trẻ đã được xác định ói chu kỳ thì phải nhập viện để được truyền dịch cấp cứu.

Theo Văn Thanh (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm