Nhỏ nhưng không nhỏ

Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào nề nếp, thiết nghĩ ngành y tế TP phải khẩn trương tháo gỡ một số vướng mắc cho khu vực này. Tại một cuộc làm việc với lãnh đạo ngành y tế, nhiều trưởng trạm y tế than phiền họ được quyền khám, chữa bệnh BHYT nhưng không được ký giấy cho bệnh nhân nghỉ bệnh, trong khi nghỉ ngơi cũng là một khâu của quy trình khám, chữa bệnh của thầy thuốc. Về phân phối thuốc BHYT cho trạm cũng còn chậm và thiếu đồng bộ. Khi thuốc cần dùng ngay thì phải chờ đấu thầu, ba tháng sau thuốc mới về thì nhu cầu lúc này không còn nên trạm phải “ôm”.

Đặc biệt theo quy định, chỉ bác sĩ mới được kê toa cho bệnh nhân. Nhưng ở nhiều trạm y tế chỉ có một bác sĩ, lúc bác sĩ này đi công tác, vắng trạm thì ai kê toa cho bệnh nhân? Mà trị bệnh thì phải khẩn cấp, không để người bệnh chờ được. Các trạm đề nghị cho phép y sĩ kê toa nhưng lãnh đạo Sở Y tế TP và BHXH TP đều khẳng định phải thực hiện theo quy chế kê đơn và quy định thanh toán BHXH, tức chỉ có bác sĩ mới có quyền kê toa. Nếu bác sĩ trạm y tế đi vắng thì trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện quận/huyện phải điều bác sĩ về tăng cường. Tuy nhiên, một số trưởng trạm y tế cho rằng đây là quy định bất khả thi.

“Mỗi xã chỉ có một bác sĩ, mà hội họp liên miên thì lấy đâu ra bác sĩ khám, chữa bệnh, kê toa. Chúng tôi buộc phải lách luật bằng cách cứ để y sĩ khám, kê toa, sau đó chúng tôi xem lại toa thuốc, nếu hợp lý thì ký, còn không thì hủy toa” - một bác sĩ cho biết.

Trạm y tế là tuyến đầu tiên của quy trình khám, chữa bệnh, nơi các nhân viên y tế phải chịu nhiều áp lực từ bệnh nhân. Nếu khâu đầu vận hành tốt thì không chỉ làm bệnh nhân hài lòng mà còn giảm gánh nặng quá tải cho tuyến cuối. Bởi vậy những vướng mắc, kiến nghị từ các trạm y tế tưởng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào!

 DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm