Nhìn lại 10 hoạt động nổi bật của ngành y tế TP.HCM năm 2020

Dưới đây là 10 hoạt động nổi bật trong số rất nhiều hoạt động đã được triển khai của ngành y tế TP.HCM năm 2020:

1. Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP với quyết tâm cao trong phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Cuộc chiến chống COVID-19 tại TP.HCM bắt đầu từ 23-1-2020 khi phát hiện 2 ca mắc đầu tiên nhập cảnh từ Trung Quốc. Tính đến 30-12-2020, tổng số ca COVID-19 tại TP.HCM xác định là 147. Trong đó, 112 ca xâm nhập từ bên ngoài (nhập cảnh), 10 ca xâm nhập trong nước, 21

Để kịp thời phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM đã chủ động giám sát lấy mẫu COVID-19 tại BV, bến xe, chợ đầu mối, trung tâm bảo trợ xã hội…, kể cả các nhóm nguy cơ cao gồm hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng và viêm phổi nặng nghi do virus. Tính đến 30-12-2020, ngành y tế TP.HCM đã lấy 239.157 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

2. Huy động nguồn lực sẵn có của các BV hình thành nên các khu cách ly điều trị, xây dựng BV dã chiến phát huy hiệu quả trong công tác cách ly điều trị người được xác định hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngành y tế chủ động bố trí các khu vực cách ly điều trị và sẵn sàng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Ngành y tế TP.HCM đã xây dựng 2 BV dã chiến ở huyện Củ Chi và Cần Giờ với quy mô lên đến 900 giường bệnh. Cà 2 BV được trang bị đầy đủ máy móc, nhân lực và bố trí phòng cách ly áp lực âm.

Khu vực điều trị 2 bệnh nhân COVID-19 người Trung Quốc tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

3. Hướng dẫn, kiểm tra đánh giá sự tuân thủ bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành về BV an toàn và bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Sở Y tế TP.HCM đã triển khai bộ tiêu chí “BV an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” do Bộ Y tế ban hành đến tất BV, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế trên địa bàn để tổ chức tự đánh giá.

Kết quả tự đánh giá cho thấy 100 BV xếp mức an toàn (91,7%) và 9 BV xếp mức an toàn thấp (8,3%). Ngoài ra, 1.484 phòng khám xếp mức an toàn, 255 phòng khám xếp mức an toàn thấp và 10 phòng khám xếp mức không an toàn.

4. Tiếp nhận và tổ chức lại tất cả BV và trung tâm y tế quận, huyện về Sở Y tế TP.HCM quản lý.

Tính đến 1-1-2021, Sở Y tế TP.HCM đã hoàn tất công tác tổ chức lại các trung tâm y tế và BV quận, huyện về sở này để quản lý.

Theo đó, số đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM hiện nay tổng cộng 81 đơn vị (tăng thêm 42 đơn vị so với năm 2019) và tổng số nhân lực y tế công lập hiện nay là 41.866 người (tăng 13.118 người).

5. Nhiều công trình xây dựng mới của các BV đi vào hoạt động và tiếp tục được khởi công, tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 95%.

Trong năm 2020 có 7 công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 1.285 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án tiếp tục được thi công trong năm 2020 (chuyển tiếp của năm 2019) với tổng mức đầu tư 9.152 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 3 dự án khởi công mới trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.378 tỷ đồng.

6. Triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại tất cả BV công lập và tư nhân.

Khảo sát "Trải nghiệm người bệnh nội trú" là hoạt động mới, thiết thực, giúp BV biết được cảm nhận thật của người bệnh từ lúc nhập viện đến lúc xuất viện sau thời gian điều trị tại BV. Kết quả khảo sát sẽ cung cấp các thông tin có giá trị thiết thực giúp BV phát huy những mặt tích cực và có giải pháp đối với những mặt chưa được. Qua đó, đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của người bệnh đối với BV, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, tạo dựng niềm tin của người bệnh.

7. Triển khai chuyển đổi số công tác quản lý nguồn nhân lực và công tác thẩm định cấp phép danh mục kỹ thuật.

Năm 2019, Sở Y tế TP.HCM xây dựng phần mềm quản lý nhân lực y tế với các chức năng như theo dõi sự biến động về số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế. Điều này giúp ngành y tế TP kịp thời tuyển dụng, bố trí, sử dụng, để bạt công chức, viên chức quản lý và giải quyết các chế độ chính sách đi nước ngoài, nghỉ hưu, nghỉ việc, đào tạo bồi dưỡng…

Năm 2020, Sở Y tế TP.HCM tiến hành xây dựng phần mềm quản lý danh mục kỹ thuật để theo dõi, quản lý tất cả danh mục kỹ thuật đã phê duyệt và đang áp dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.

8. Triển khai thử nghiệm trung tâm điều hành tại Sở Y tế TP.HCM

Tháng 2-2020, Sở Y tế TP.HCM chính thức vận hành thí điểm trung tâm điều hành y tế. Trung tâm này có chức năng tích hợp, kết nối tổng hợp số liệu tại các phòng ban, đơn vị trực thuộc để thu thập dữ liệu và đưa ra các chỉ số báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, điều hành. 

9. Triển khai hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế cấp độ 3, 4.

Từ tháng 1-2019, Sở Y tế TP.HCM chính thức ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến riêng của ngành y tế (liên thông với cổng dịch vụ công của TP).

Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã xây dựng quy trình nội bộ, giải quyết hồ sơ dịch vụ hành chính công qua cổng dịch vụ công trực tuyến riêng của ngành y tế. Đến nay, 100% (115/115) thủ tục hành chính công của Sở Y tế TP.HCM được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

10. Phát huy hiệu quả của ứng dụng “Y tế trực tuyến”, là công cụ phản ánh thông tin của người dân trực tiếp đến Sở Y tế TP.HCM.

Triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân có công cụ phản ánh kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức. Sau hơn 4 tháng triển khai, Sở Y tế TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý trên 100 phản ánh người dân, cơ quan báo đài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm