Nhiều lương y, bác sĩ phải hoạt động “chui”

Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời đến nay đã tròn ba năm nhưng TP.HCM vẫn chưa cấp xong được chứng chỉ hành nghề (CCHN) và giấy phép hoạt động cho nhiều cơ sở tư nhân dù thời hạn cuối cùng là vào ngày 31-12-2013 - tất cả người hành nghề y phải có chứng chỉ. Rất nhiều người đang trong tình trạng hoạt động “chui”.

Gỡ bảng hiệu, không dám chữa bệnh!

Nhiều lương y phản ánh với báo Pháp Luật TP.HCM, gần hai năm nay vẫn chưa được Sở Y tế TP.HCM cấp CCHN y tế tư nhân dù đã nộp hồ sơ từ đầu năm 2012.

Một lương y ở quận 10 cho biết bản thân có bằng cấp đầy đủ nhưng đến giờ phải gỡ bảng hiệu, không dám chữa bệnh chỉ vì chưa được cấp CCHN. Ông phải cho nhân viên nghỉ không thời hạn, còn bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh ông phải lắc đầu không dám nhận.

Còn lương y HVC ngụ quận Phú Nhuận cho rằng một số bệnh nhân thân quen hoặc đang điều trị bệnh nài nỉ ông đành phải chấp nhận khám, chữa bệnh “chui” chỉ vì sự chậm trễ của cơ quan chức năng.

Ông Phú cùng với hàng trăm lương y khác đợi chờ được cấp CCHN trong hai năm qua. Ảnh: TH.HIẾU

Lương y Nguyễn Phát Phú ngụ quận 12, đã hành nghề trên 30 năm bức xúc: “Bản thân tôi sau một năm nộp hồ sơ thì Sở Y tế có văn bản trả lại cho rằng văn bằng chuyên môn chưa đúng quy định, trong khi trước đó tôi vẫn được cấp CCHN. Khi nhận hồ sơ về tôi mới phát hiện nhân viên thẩm định đã vô tình hay cố ý bỏ sót văn bằng chuyên môn của tôi ra ngoài khi trình lãnh đạo…”.

Ông Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM, giải thích: “Do trước đây có nhiều nguồn đào tạo chuyên môn về y học cổ truyền nên theo quy định (tại khoản 8 Điều 2) của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì những người được đào tạo phải được từ giám đốc Sở Y tế hoặc Bộ Y tế công nhận là lương y mới cấp CCHN. Một số lương y đã được cấp CCHN là do đào tạo từ Bộ Y tế và đã được công nhận. Số lượng lớn hồ sơ còn tồn đọng đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế để Sở làm thủ tục công nhận là lương y rồi sẽ cấp CCHN. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thông tư nên trước mắt Hội đồng Tư vấn xét duyệt lương y của Sở Y tế có linh động đề xuất tạm thời công nhận để họ có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian chờ đợi”.

Hết hạn vẫn chưa có hướng dẫn mới

Không chỉ một số lương y chưa được cấp CCHN do chưa có hướng dẫn mới mà ngay cả y, bác sĩ làm trong BV hiện cũng chưa được cấp. Giám đốc một BV chia sẻ trước đây BV tập hợp hồ sơ rồi gửi tất cả về Sở nhưng chỉ có một hồ sơ thiếu hoặc sai sót gì đó là hàng trăm hồ sơ trong tình trạng dừng, trả về chỉ để làm lại một hồ sơ. Nhiều bác sĩ của BV hành nghề y tư nhân ngoài giờ nóng ruột nên tự rút hồ sơ đi làm. Sở hẹn 60 ngày nhưng đến 90 ngày vẫn chưa thấy CCHN đâu.

Ngoài ra, một lượng lớn người hành nghề là cử nhân sinh hóa đang làm việc tại các labo xét nghiệm hóa sinh tại các BV cũng đang trong tình trạng chưa được cấp CCHN, vì họ thuộc đối tượng… chờ hướng dẫn cấp của Bộ Y tế.

Trong mấy ngày qua, một số phòng khám đa khoa tư nhân trong tình trạng ế ẩm mà theo họ là “cắn răng” chờ hướng dẫn của các cơ quan cấp trên. Giám đốc một phòng khám cho biết: Phòng khám hoạt động là nhờ khám, chữa bệnh BHYT nhưng theo thông báo của BHXH TP.HCM, đến 31-12-2013 mà phòng khám chưa có giấy phép hoạt động mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và nhân sự chưa đủ CCHN thì BHXH sẽ dừng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Trong khi họ chậm là do ngành y tế cấp chậm. Đáng lý ra các ngành liên quan phải tháo gỡ để họ tiếp tục khám, chữa bệnh BHYT cho đến khi có giấy phép mới!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, đại diện lãnh đạo BHXH TP.HCM cho biết hiện chưa có hướng xử lý và chờ… hướng dẫn từ Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Còn BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân thì cho rằng Sở đã đi thẩm định các phòng khám nộp hồ sơ đến ngày 25-12-2013. Những đơn vị nào sai sót Sở sẽ có công văn nhắc nhở nhằm đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ khó khăn trong vấn đề khám, chữa bệnh BHYT.

THÁI HIẾU - HOÀNG DUY

Bộ Y tế vừa có báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề dược tại TP.HCM. Theo đó, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Y tế nhận xét TP.HCM có những mặt hạn chế như việc thẩm định, cấp CCHN dược, giấy đủ điều kiện kinh doanh thuốc, giấy GPP (thực hành nhà thuốc tốt), giấy GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) không đảm bảo đúng thời gian quy định. Hiệu quả công tác hậu kiểm còn hạn chế, tỉ lệ các nhà thuốc chưa duy trì việc tuân thủ các nguyên tắc GPP còn cao, có nhà thuốc hoạt động không phép trong thời gian dài mà không được phát hiện, xử lý.

Đối với các cơ sở hành nghề dược, hầu hết chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP, GDP và quy chế chuyên môn dược. Hầu hết dược sĩ phụ trách chuyên môn của cơ sở kinh doanh dược không có mặt tại thời điểm kiểm tra và không ủy quyền theo quy định… Kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc; sắp xếp thực phẩm chức năng lẫn với thuốc; kinh doanh thuốc cấm nhập khẩu, thuốc không được phép lưu hành…

DUY TÍNH

Nguyên nhân của việc chậm cấp CCHN trong thời gian qua một phần là do cách tổ chức trước đây bị động, một mình Sở Y tế làm trong điều kiện nhân sự mỏng mà công việc nhiều, thủ tục rườm rà. Hiện Sở đã phân cấp xuống quận/huyện để phối hợp thực hiện, dù tiến độ có nhanh hơn nhưng vẫn chưa thể làm xong.

Nhưng một phần cũng khá quan trọng là Bộ Y tế và các ban ngành liên quan đã quá chậm trong việc hướng dẫn cho Sở Y tế để đáp ứng nhu cầu kịp thời cho người hành nghề và đúng tiến độ mà Chính phủ giao. Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ với Sở Y tế TP.HCM để tìm hiểu đến bao giờ mới cấp xong CCHN, giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm