Nguyên tắc sơ cứu khi bất ngờ bị chấn thương

ThS-BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho hay hầu hết chấn thương đầu thường nhẹ không cần điều trị nội trú. Tuy nhiên, ngay cả những chấn thương nhẹ có thể gây một số triệu chứng mạn tính dai dẳng như đau đầu, khó tập trung. Người bệnh cần xa rời các hoạt động bình thường một thời gian để nghỉ ngơi đầy đủ mới đảm bảo hồi phục hoàn toàn. 

Tương tự, các vết đứt và xước nhỏ thường cũng không cần chuyển tới khoa cấp cứu, song để tự sơ cứu, bệnh nhân và người nhà cần nắm được những nguyên tắc sơ cứu cơ bản.

Dưới đây là hướng dẫn của BS Chính đối với hai chấn thương hay gặp:

1. Sơ cứu chấn thương đầu

Bạn cần gọi dịch vụ cấp cứu y tế nếu thấy nạn nhân (là người lớn) có các dấu hiệu sau: Chảy máu nhiều vùng đầu hoặc mặt, rỉ máu hoặc dịch từ mũi hoặc tai, đau đầu nhiều, thay đổi ý thức trong hơn một vài giây, xuất hiện vết xanh tím dưới mắt hoặc sau tai, ngừng thở, lú lẫn, mất thăng bằng, yếu liệt một tay hoặc chân, kích thước đồng tử không đều, nói lắp, co giật.

Với trẻ em, bạn cũng cần gọi cấp cứu nếu có bất cứ dấu hiệu nào giống người lớn hoặc có các triệu chứng đặc trưng như khóc dai dẳng, bỏ bú, bỏ ăn, thấy khối phồng phía trước đầu trẻ, nôn nhiều lần.

Nếu xảy ra chấn thương đầu nặng:

- Giữ nạn nhân bất động cho tới khi nhân viên y tế tới. Đặt nạn nhân nằm xuống và để yên tĩnh. Nâng đầu và vai hơi cao. Không di chuyển nạn nhân nếu không cần thiết. Tránh cử động cổ nạn nhân. Nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm, không tháo bỏ mũ.

- Cầm máu: Áp một lực chắc chắn lên vết thương bằng gạc vô trùng hoặc vải sạch. Không áp trực tiếp lên vết thương nếu nghi ngờ có vỡ xương sọ.

- Theo dõi sự thay đổi nhịp thở và ý thức: Không có dấu hiệu tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tim phổi,

2. Sơ cứu vết đứt và xước

Rửa tay sạch: Người sơ cứu cần rửa tay sạch sẽ để tránh nhiễm trùng cho nạn nhân. Tốt nhất bạn nên đeo găng bảo vệ dùng một lần nếu có sẵn.

Cầm máu: Vết đứt và xước nhỏ thường tự cầm máu. Nếu không cầm, ấn nhẹ bằng gạc vô trùng hoặc vải sạch và nâng cao vết thương.

Rửa sạch vết thương: Sử dụng nước sạch để rửa vết thương, rửa xung quanh bằng xà phòng và khăn, không để xà phòng dính vào vết thương.

Nếu bụi bẩn hoặc mảnh vụn vẫn còn trên vết thương sau khi rửa: Dùng nhíp làm sạch bằng cồn để loại bỏ chúng, làm sạch kỹ lưỡng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và uốn ván.

Thoa thuốc kháng sinh: Thoa một lớp mỏng kem hoặc mỡ kháng sinh (Neosporin, Polysporin) giúp giữ ẩm bề mặt, song chúng sẽ không làm vết thương lành nhanh hơn. Tác dụng của thuốc kháng sinh là ngăn chặn nhiễm trùng và giúp cho quá trình lành bệnh tự nhiên.

Lưu ý, một số thành phần của thuốc mỡ kháng sinh có thể gây phát ban nhẹ. Nếu hiện tượng xuất hiện thì ngừng sử dụng thuốc mỡ. Chườm mát hoặc thoa kem aloe vera để làm giảm ngứa.

Băng vết thương: Giúp vết thương sạch và ngăn ngừa vi khuẩn có hại. Nếu vết thương chỉ là vết xước hoặc cào nhỏ thì không cần băng.

Thay băng: Tối thiểu một lần/ngày hoặc bất cứ khi nào băng bị ướt hoặc bẩn. Nếu dị ứng với chất kết dính trong băng thì có thể dùng cuộn gạc. Khi vết thương đã gần lành, không cần băng.

Khâu vết thương sâu: Vết thương sâu, lởm chởm hoặc hở miệng có bộ lộ lớp mỡ hoặc cơ thì cần được khâu.

Các loại băng dính hoặc băng cánh bướm có thể sử dụng để giữ các mép vết thương gần nhau nhưng khó kín. Khám bác sĩ ngay khi có thể. Đóng kín vết thương trong vài giờ làm giảm thiểu sẹo và nhiễm trùng.

Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng: Đi khám bác sĩ nếu vết thương không liền hoặc bị đỏ, đau ngày càng tăng, chảy dịch rỉ, nóng hoặc sưng.

Tiêm phòng uốn ván nếu nạn nhân chưa tiêm phòng uốn ván trong năm năm qua, vết thương sâu và bẩn.

Theo Zing

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm