Nguy cơ trẻ bị liệt cánh tay sau sinh

Đám rối thần kinh cánh tay là tên gọi của nhóm năm dây thần kinh xuất phát từ tủy sống nằm giữa các xương vùng cổ (các đốt sống). Các dây thần kinh này kết hợp với nhau tạo thành một mạng phức hợp giúp cánh tay cử động và có cảm giác.

Có thể thương tật vĩnh viễn

Bé Nguyễn Minh K.N. (quê Tiền Giang) là một trong số ít bệnh nhân được mổ liệt đám rối thần kinh cánh tay tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Theo lời kể gia đình, từ khi sinh ra đến thời điểm mổ, hoạt động bên cánh tay phải của bé khá yếu. “Ban đầu gia đình lo lắng không biết là bé bị bệnh gì, có nhiều người nói rằng con tôi bị liệt. Đưa bé vào Nhi đồng 1 khám mới biết con bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Bé được các bác sĩ (BS) chỉ định mổ và sức khỏe sau mổ tốt” - mẹ của bé N. cho biết.

Mẹ của bé NVT (quận 5) cho biết khi chào đời, gia đình phát hiện cánh tay phải của bé gần như xụi lơ, không cử động được. Gia đình đưa bé đến khám bệnh trong tình trạng chỉ cử động được bàn tay và ngón tay, còn cánh tay phải hoàn toàn bị liệt khiến bé không thể giơ lên được. Bé được mổ ghép thần kinh lúc bốn tháng tuổi. Sau ba năm phẫu thuật, tay phải của bé T. phục hồi rất tốt, cử động vai và khuỷu tay gần như bình thường.

Hiện có khá nhiều cha mẹ không biết hoặc chủ quan đối với dạng tổn thương này. Theo chị Nguyễn Thị Niên, phụ huynh bé THLL (huyện Hóc Môn, TP.HCM), nếu như con gái chị không được các BS khám và cho biết bé bị liệt đám rối thần kinh cánh tay thì thật sự chị và gia đình cũng không thể biết đến bệnh lạ này. “Trong một lần đưa con đi khám ở BV do bé phát sốt, sau khi các BS khám bệnh, quan sát và hỏi xem con có cử động bình thường hay không thì tôi mới để ý đến. Rất may là các BS đã phát hiện và bé được phẫu thuật thành công chứ bé mà bị liệt chắc tôi ân hận cả đời” - chị Nguyễn Thị Niên cho biết.

Sơ đồ đám rối thần kinh cánh tay. Bé Nguyễn Minh K.N. được GS Gilbert khám lại sau mổ đám rối thần kinh cánh tay. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Cứu được nếu mổ sớm

Theo BS Đặng Khải Minh - khoa Chấn thương chỉnh hình - BV Nhi đồng 1, liệt đám rối là tổn thương rất phức tạp vì đám rối trên tay chi phối toàn bộ cánh tay, cẳng tay và cổ tay, ảnh hưởng đến tất cả hoạt động trên vùng tay của trẻ về sau. Nếu phụ huynh chủ quan không phát hiện sớm thì khả năng phục hồi của trẻ là rất thấp và bé sẽ bị thương tật vĩnh viễn.

“Do bệnh lý này xuất hiện khi trẻ còn chưa nhận thức được, trong khi giai đoạn từ ba đến chín tháng tuổi lại là giai đoạn vàng để phẫu thuật giúp trẻ phục hồi về sau. Hiện có rất nhiều phụ huynh đang sai lầm khi con mình bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nhưng thi thoảng lại thấy tay con có thể cử động được thì quyết định không cho phẫu thuật. Nhiều người e ngại việc bé còn quá nhỏ, có thể tự phục hồi mà không cần phẫu thuật dẫn đến hậu quả không tốt về sau” - BS Minh phân tích.

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết trước đây trẻ tổn thương thường chỉ được tập vật lý trị liệu nhưng không hiệu quả. Trong vài năm gần đây, BV Nhi đồng 1 được GS Alain Gilbert, Viện Bàn tay Paris, một giáo sư đầu ngành trong phẫu thuật thần kinh cánh tay tại Pháp đã có hơn 40 năm kinh nghiệm hướng dẫn, chuyển giao công nghệ và tiến hành mổ cho bệnh nhi. Đây là một phương pháp mổ rất phức tạp, đòi hỏi người mổ phải đưa ra chỉ định đúng và chính xác nhất. Ngoài ra, người mổ không thể đánh giá được kết quả ngay mà phải theo dõi liên tục năm năm, bảy năm và có thể 10 năm tình trạng ca mổ của mình.

Đối với phụ huynh, dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết tổn thương khi trẻ còn nhỏ là không thể gấp được khuỷu tay, có dấu hiệu mắt bên tay bị liệt sẽ nhỏ hơn mắt bên tay bình thường. Nếu không được điều trị sớm, trẻ sẽ phải mang cánh tay mất chức năng suốt đời. Khi lớn lên, bên tay này thường teo nhỏ, đôi khi có thể tự phục hồi một vài cử động hạn chế như nhúc nhích vai, bàn tay… nhưng không đủ để sinh hoạt, lao động.

Theo BS Đào Trung Hiếu, điều quan trọng nhất là hiện nay nước ta vẫn chưa thể nhập khẩu “keo dán thần kinh”, một trong những điều kiện tiên quyết cho một ca phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay thành công. Một ca mổ bình thường mất khoảng 6-7 giờ đồng hồ nhưng dùng “keo dán thần kinh” thì rút ngắn lại còn 1,5 đến 2 giờ. Hiện những ca mổ ở BV Nhi đồng 1 chỉ được thực hiện khi GS Gilbert qua Việt Nam và mang theo “keo dán thần kinh” từ Pháp sang dưới hình thức xách tay.

Theo GS Gilbert, tỉ lệ bị tai biến đám rối thần kinh cánh tay trên thế giới là 1/1.000. Trong các trẻ mắc, cứ bốn trẻ thì có ba trẻ có thể tự phục hồi hoặc có thể phục hồi qua vật lý trị liệu, trẻ còn lại phải can thiệp bằng phẫu thuật. Đây là lần thứ 15 đoàn BS do GS Gilbert chủ trì đến Việt Nam và hợp tác với BV Nhi đồng 1 chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay. Kỹ thuật này được áp dụng từ năm 2010 với hơn 100 ca đã được thực hiện, trong đó hơn 30 ca do các BS của BV Nhi đồng 1 tự phẫu thuật dưới sự giám sát của GS Gilbert. Sau phẫu thuật, tỉ lệ phục hồi đạt từ 70% đến 80%, trẻ sau mổ có cuộc sống gần như bình thường.

_____________________________

Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ là một loại tai biến sau sinh. Dạng tổn thương này thường xảy ra trong một ca sinh khó. Do trẻ quá to, vai có thể bị kẹt sau khi đầu đã chui ra. Để kéo vai ra, đầu phải xoay sang phía đối diện. Lực căng trên đám rối thần kinh cánh tay có thể kéo dãn hoặc kéo đứt một hoặc nhiều dây thần kinh. Lực tác động thêm vào đám rối có thể làm đứt hoàn toàn các dây thần kinh hoặc tách chúng khỏi tủy sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm