Nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy rất cao!

Sáng 23-7, cán bộ Trạm Y tế xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) cùng Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh tiếp tục giám sát khu vực xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp tại tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân.

Nhà bà Phạm Thị Linh - có ba cháu nội bị tiêu chảy cấp - đầy rác và ruồi nhặng.  Ảnh: TRẦN NGỌC 

Uống thuốc Tàu, đi “cầu tõm”

Đoàn khảo sát đến hộ bà Phạm Thị Linh, nơi có hai trẻ bị tiêu chảy cấp, trong đó có một tử vong. Bà Linh có bảy cháu nội. “Cháu HGB, 10 tháng tuổi, bị đầu tiên. Mỗi ngày cháu ói và tiêu chảy hơn 10 lần, trong phân có máu. Gia đình lật đật đưa cháu đến BV Nhi đồng 1. Mấy ngày sau, cháu PNT (cũng 10 tháng tuổi, anh em chú bác với B.) bị sốt, một ngày tiêu chảy gần 10 lần, phân lỏng, có đàm, tanh tanh. Tôi ra chợ mua thuốc Tàu cho cháu uống nhưng bệnh tình nặng hơn nên chở lên BV Nhi đồng 1. Một ngày sau cháu tử vong vì bị nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa. Cháu B. vừa xuất viện nhưng vẫn còn tiêu lỏng” - bà Linh cho biết.

Hỏi về nguồn nước dùng sinh hoạt, bà Linh giãi bày: “Nhà câu lại đường nước máy của hàng xóm nên mỗi khối nước phải trả trên 20.000 đồng, những tháng trong tết tăng lên 30.000 đồng. Nhà nghèo, con cháu đông nên đâu dám xài nước máy thoải mái, phải tận dụng nước ao quanh nhà”. Quanh nhà bà Linh, đoàn khảo sát thấy rác rưới vương vãi trên sân, dưới ao. Đáng chú ý, hầu hết các hộ dân ở đây chưa bỏ thói quen đi ngoài bằng “cầu tõm”.

Vệ sinh môi trường quá kém

Đến thời điểm hiện tại, tổ 8 có chín trường hợp bị tiêu chảy cấp, trong đó có một trẻ đã tử vong. Theo thống kê, khu vực xuất hiện ổ tiêu chảy cấp có tổng cộng 24 hộ với gần 100 nhân khẩu. Trong đó có hơn 20 trẻ dưới 15 tuổi. Như vậy, số trường hợp bị tiêu chảy cấp chiếm khoảng 10% số dân tại đây, trong đó trẻ em chiếm hơn 30%.

Bà Lư Thị Mỹ Duyên, khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, cho biết trung tâm đã tiến hành giám sát môi trường vệ sinh, dịch bệnh hằng ngày. Chiều cùng ngày, Trạm Y tế xã Lê Minh Xuân cung cấp thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân phun xịt trong nhà, ngoài sân để hạn chế mầm bệnh lây lan. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đã lấy các mẫu nước sinh hoạt để xét nghiệm.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết ổ dịch tiêu chảy cấp xuất hiện là do vệ sinh môi trường của các hộ dân quá kém. Bên cạnh đó, tất cả 24 hộ dân trong ổ dịch đều sử dụng “cầu tõm” và ít nhiều dùng nước ao tù để rửa ráy. Đây chính là nguyên nhân dễ lây truyền dịch bệnh. BS Dũng khuyên bà con nên vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh nên tới cơ sở y tế điều trị, không tùy tiện mua thuốc về uống.

 

Sáng cùng ngày, đoàn khảo sát ghi nhận thêm hai trường hợp bị tiêu chảy cấp, gồm cháu TNQ (hai tuổi, cũng là cháu nội bà Linh) và ông HML (30 tuổi, người hàng xóm bà Linh). Cả hai trường hợp này được đề nghị đến ngay Trạm Y tế xã Lê Minh Xuân để điều trị, chăm sóc.

***

Họ đã nói

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đề xuất chính quyền địa phương có biện pháp cải tạo môi trường sống tại khu vực xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp. Vận động các hộ dân không sử dụng “cầu tõm” trên ao cá; thay đổi phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm…

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

 TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm