Người thầy blouse trắng dạy trò khám bệnh bằng tai

Ở phía cuối hành lang khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) có một căn phòng mang tên PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng. Đây là nơi làm việc của PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai.

Vị bác sĩ “hữu xạ tự nhiên hương”

Đến bệnh viện theo lịch hẹn của ông, dù đã gần chiều nhưng lượt bệnh nhân chờ khám đã xếp thành hàng dài. Trong lúc ngồi chờ, chúng tôi hỏi một người mẹ đang chờ đến lượt khám về bệnh tình cháu bé. Người phụ nữ trả lời yếu ớt: “Cháu bị viêm phế quản đã hai tuần nay. Gia đình cũng biết bệnh của cháu nặng nhưng khám ra bệnh ở dưới tỉnh chỉ còn cách trốn về vì không có tiền chữa. Tháng trước có đứa bạn quen nói đưa đi khám bác sĩ (BS) Dũng ở BV Bạch Mai. Nó nói bác chữa nhanh, mà nếu có khó khăn BS cũng giúp giùm nên tôi liều đưa nó ra đây”.

Nghe nói về BS Dũng, nhiều người ngồi gần cũng xúm lại hóng chuyện. Có người biết nhiều, có người biết ít nhưng hầu như sự hài hước, thân thiết, một lòng vì bệnh nhân của “ông BS đầu hói” này đã khiến nhiều người lấy làm tin tưởng mà đến khám tại đây.

Trong căn phòng gọn gàng phía cuối hành lang, BS Dũng với giọng khỏe khoắn kể về quan niệm nghề nghiệp của mình. Ông sinh ra và lớn lên tại một vùng đất nghèo thuộc ngoại thành Hà Nội. Đến năm 1973, ông theo học ngành y tại ĐH Y Hà Nội với khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ là có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé nào đó vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là các bệnh nhi. Đến năm 1983, ông vào công tác tại phòng Cấp cứu nhi của BV Bạch Mai và gắn bó cho tới bây giờ.

Câu chuyện giữa chúng tôi và BS thường xuyên bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại và những người học trò hẹn trước. Vài ba phút lại có người gọi hỏi về thuốc, về phác đồ điều trị. Một lát lại có người gõ cửa gửi gắm những tập luận văn dày hàng ngàn trang cho ông.

Tò mò hỏi mới biết ngoài công tác chuyên môn là khám và điều trị cho các bệnh nhi, BS Dũng còn làm công tác giảng dạy. Hằng năm ông tham gia đào tạo cho hơn 150 sinh viên ĐH Dược Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn học trò làm các luận án tiến sĩ, thạc sĩ.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng đang thăm khám cho một bệnh nhi. Ảnh: HP

Chú trọng cách hỏi chuyện bệnh nhân

Với kiến thức chuyên về nhi khoa sau nhiều năm công tác, BS Dũng luôn hiểu rõ về các bệnh nhân của mình. Đối với ông, diễn biến tâm lý là cái cực kỳ quan trọng, mỗi bệnh nhi lại có một cảm xúc khác nhau, từ đứa mới lọt lòng cho đến các cháu 15-16 tuổi. Vì vậy, đã là BS thì phải thích ứng với điều đó và phải hiểu tâm lý của trẻ nhỏ, mỗi cháu bé phải ứng xử một cách khác nhau.

“Đầu tiên BS phải biết cách nói chuyện với bệnh nhân, lúc đó người ta mới kể hết những điều mà người ta vướng mắc, khó khăn bệnh tật như thế nào. Từ đó BS dần nắm được đặc thù dẫn đến bệnh tật của người bệnh như điều kiện gia đình, kinh tế, học vấn và sinh hoạt hằng ngày…, như vậy mới dễ chữa” - BS Dũng nhấn mạnh.

BS Dũng nhắc đi nhắc lại về cái tâm của BS, về câu chuyện chữa bệnh bằng tâm lý mà trước giờ ông vẫn xem như tôn chỉ để làm việc. Ông nói không biết các đồng nghiệp trong ngành y thế nào nhưng với riêng mình, ông luôn cảm thấy may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên hiểu được tâm lý của họ để có những ứng xử hợp tình, hợp lý.

“Tôi thấy rằng với nhiều bệnh nhân, đôi khi sự chia sẻ, động viên từ phía BS còn có giá trị hơn cả những liều thuốc đắt tiền. Chính bệnh nhân đã dạy cho tôi rất nhiều điều mà không có một trang giáo án hay bộ môn khoa học nào có được. Họ dạy cho tôi cách khai thác tình trạng bệnh tật mà không phải cái máy siêu âm, xét nghiệm nào cũng làm được…” - BS Dũng tâm sự.

BS Dũng chia sẻ: Bệnh tật của con người không chỉ do những con vi trùng, virus hay chấn thương gây ra mà nó còn bệnh trong chính tinh thần gây nên. Và nghề y có những bệnh không một máy móc hiện đại nào có thể giúp chẩn đoán ra bệnh mà chỉ bằng cách tiếp xúc với bệnh nhân, thăm khám, trò chuyện thì mới tìm ra.

Ứng dụng kỹ thuật cao vào chữa trị

Từ năm 2015 đến nay, trong quá trình làm việc, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng đã đưa nhiều kỹ thuật cao vào công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em như: Thở máy cho trẻ sơ sinh đẻ non với các mốt thở hiện đại; kỹ thuật điều trị Surfactant cho trẻ đẻ rất non bị suy hô hấp; kỹ thuật siêu âm Doppler màu vào chẩn đoán tim bẩm sinh sớm và kết hợp với Viện Tim mạch can thiệp tim mạch cho trẻ sơ sinh sau đẻ; kỹ thuật siêu âm qua thóp phát hiện các tổn thương não ở trẻ sơ sinh… Ông cũng đề ra nhiều biện pháp đổi mới trong công tác quản lý và phát triển chuyên khoa sơ sinh theo hướng kết hợp sản nhi. Nhờ đó mà rất nhiều trẻ sơ sinh sinh ra từ các bà mẹ bị bệnh nặng như suy gan, suy tim, suy thận hay ung thư ở giai đoạn cuối... đã được cứu sống và lớn lên bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm