Người lạ rình rập, hỏa hoạn: Con bạn đã biết cách phòng tránh?

Người lạ rình rập, hỏa hoạn: Con bạn đã biết cách phòng tránh? ảnh 1
Trẻ cần phải được trang bị kỹ năng sinh tồn để tự bảo vệ mình

Trong dịp hè này, nhiều phụ huynh đã tìm tới các Trung tâm để cho con đi học khóa học “Kỹ năng sinh tồn”. Đây là những kỹ năng cần thiết giúp trẻ tự lập trong cuộc sống, dạy cho mỗi học sinh có khả năng xử lý các tình huống xấu xảy ra với mình, với người thân mình… 

Khóa học kỹ năng sinh tồn dạy nhiều cách giúp trẻ thoát hiểm. Chẳng hạn tình huống có người lạ mặt rình rập để vào nhà với ý đồ xấu, các thầy cô dạy cách tạo tình huống giả như bật ti vi thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà còn có người lớn; kiên quyết không mở cửa…

Khi bố mẹ gặp sự cố như tai nạn bất tỉnh, dạy cho trẻ số điện thoại quan trọng như cấp cứu, cứu hỏa, cảnh sát...Khóa học còn dạy trẻ kỹ năng bơi, tránh điện giật, đề phòng bắt cóc… để trẻ biết vận dụng trong cuộc sống hằng ngày. 

Ngoài ra, những kỹ năng đơn giản cũng được các trung tâm dạy như: cách thắt nút, mở 12 loại nút áo; Mặc và gấp quần áo; Kỹ năng khó hơn như đánh giày, cắm hoa, trồng cây; Kỹ năng đòi hỏi sự khéo léo như sử dụng dao, nĩa, kim khâu an toàn, biết làm một số việc nhà đơn giản. Chúng không chỉ giúp bé khéo léo mà còn góp phần dạy trẻ biết yêu thiên nhiên, biết chia sẻ, rèn luyện tính kiên trì, làm việc có suy nghĩ…

Chị Nguyễn Hồng Thanh (quận Hà Đông) chia sẻ: "Hè này tôi cũng có ý định cho 2 con nhỏ học kỹ năng sinh tồn. Người lớn bây giờ bận việc quá, trong khi cuộc sống bây giờ nhiều mối nguy hiểm rình rập hơn. Trẻ lớn lên cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, tự  lập trong cuộc sống… Tôi thấy một số Trung tâm có mở khóa học kỹ năng này cho trẻ nên đã tìm hiểu cho chúng đi học.”

Theo chị Thanh, chị đã đăng ký cho trẻ học các kỹ năng như: Kỹ năng bơi và ứng phó các tình huống tai nạn nước, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu (sây sát, ngạt, choáng váng, chảy máu…), sử dụng dây, các nút dây hiệu quả trong cuộc sống, tạo được lửa và giữ lửa qua đêm; tự chăm sóc bản thân như tắm giặt, vệ sinh cá nhân…

Người lạ rình rập, hỏa hoạn: Con bạn đã biết cách phòng tránh? ảnh 2

Chị Nguyễn Hồng Thắm (quận Hoàng Mai – Hà Nội) từng cho con học lớp kỹ năng sinh tồn năm ngoái cho biết: “Qua khóa học kỹ năng sinh tồn, tôi thấy trẻ biết nhiều đến các kỹ năng phòng tránh tai nạn hơn như sét đánh, điện giật, biết gọi số điện thoại khẩn cấp…Năm nay, tôi có ý định cho cháu tham gia một trại hè để phát huy khả năng sáng tạo, tư duy của cháu.

Qua mỗi khóa học dường như, trẻ biết nhiều đến các sự vật xung quanh, đồng thời trẻ cũng biết tự làm một số việc nhà hơn và có tính tự lập hơn. Chẳng hạn, trẻ nhà tôi cũng biết tránh xa các ổ phích điện, vì biết nguy hiểm của điện giật, chúng không dám nghịch hay thò các vật dụng vào ổ cắm điện…”

Người lạ rình rập, hỏa hoạn: Con bạn đã biết cách phòng tránh? ảnh 3
Các khóa học "Kỹ năng sinh tồn" thu hút nhiều trẻ em đủ mọi lứa tuổi tham gia

Theo các chuyên gia giáo dục, trong giai đoạn này, trẻ cần được học hỏi những kỹ năng và kiến thức cơ bản sau để tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện và trở thành cá nhân độc lập. 

TS Vũ Thu Hương, Giám đốc, chuyên viên tư vấn giáo dục Công ty Clever kids EDC chia sẻ: “Hội chứng kỳ nghỉ rất đáng lo ngại ở tuổi mầm non. Trẻ dễ bị lơ là nếp ăn, nếp ngủ mà cô và bố mẹ đã rất mất công gây dựng trong năm học. Giải pháp để con đi học các lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình… đang được nhiều phụ huynh hướng tới.”

Theo TS Thu Hương rất nhiều tình huống nguy hiểm như hỏa hoạn, phỏng, bị bắt cóc, xâm hại, đi lạc… có thể xảy ra với trẻ. Trong đó, hỏa hoạn là tình huống dễ xảy ra nhất. Vì thế, khi có hỏa hoạn, chúng ta đừng chỉ các em cách dập lửa mà hãy dạy các em cách thoát hiểm an toàn.

TS Hương nêu ví dụ, chẳng hạn khi trẻ phá phách, người lớn có thể giả vờ giữ tay trẻ và đưa vào ổ điện, đồng thời hét lớn về tác hại khi bị điện giật. Trẻ sẽ sợ hãi và không dám tái phạm. Sau này, phụ huynh có kêu trẻ chơi với ổ điện, trẻ cũng không dám. 

Theo Nguyễn Hiếu/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm