Người bệnh còn 'tự bơi' khi về nhà

Đó là nhìn nhận của TS Lê Thị Hoàng Liễu, Giám đốc chương trình Công tác xã hội, ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) về hoạt động công tác xã hội bệnh viện ở Việt Nam, tại hội thảo “Hỗ trợ người bệnh: Thực tiễn trên thế giới và ứng dụng để phát triển tại Việt Nam” do BV ĐH Y Dược (YD) TP.HCM tổ chức diễn ra vừa qua (27-8).

TS Liễu phân tích hoạt động trợ giúp người bệnh mới chỉ dừng lại ở khâu khám bệnh, điều trị tại bệnh viện mà chưa có sự kết nối từ bệnh viện đến cộng đồng. Do đó, bệnh nhân ra viện không được hỗ trợ điều trị mà tự thực hiện theo kiến thức và hiểu biết của mình. Điều này khiến cho việc chăm sóc người bệnh rời rạc, điều trị gián đoạn và gây ra biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người bệnh.

Theo TS Liễu, dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực sức khỏe còn rất mới tại Việt Nam nên rất cần sự quan tâm về chính sách, đào tạo, hỗ trợ nguồn lực. Người bệnh cần được nhân viên công tác xã hội tiếp tục chăm sóc tại cộng đồng để ổn định về tâm lý, giảm tải cho cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Phòng công tác xã hội, BV ĐH Y Dược TP.HCM mừng sinh nhật người bệnh. Ảnh: NP

Chia sẻ trong buổi hội thảo, các báo cáo viên đến từ Anh, Mỹ nhận định công tác xã hội là một ngành nghề khoa học và đã phát triển từ lâu đời. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cảm xúc tích cực sẽ giúp cho quá trình điều trị của người bệnh được hiệu quả hơn. Chính vì vậy, tại các bệnh viện ở Mỹ và Anh, hệ thống chăm sóc tập trung nhóm đa ngành gồm bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội cùng phối hợp với nhau để hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất.

ThS Urvashi Tripathi, nhân viên công tác xã hội cấp cao, tổ chức từ thiện Clic Sargent Vương quốc Anh, cho biết ở Anh, nghề công tác xã hội đã ra đời và phát triển thành nghề chuyên nghiệp từ hơn 200 năm trước. Nghề công tác xã hội, không bao giờ thiếu việc làm. Ở Anh, Clic Sargent chuyên cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư. Không chỉ hỗ trợ các nhu cầu lĩnh vực y tế, nhân viên công tác xã hội còn hỗ trợ người bệnh và người nhà các nhu cầu khác như kết nối, phân bố các nguồn lực tài chính, làm việc với gia đình sau khi người thân mất, giúp họ vượt qua mất mát.  

Theo TS-BS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc BV ĐHYD, 30 năm trước, quan niệm làm công tác xã hội ở bệnh viện là khám bệnh, phát thuốc miễn phí, kêu gọi từ thiện… Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển của thế giới, BV ĐHYD đã chú trọng phát triển lĩnh vực công tác xã hội đi vào chiều sâu và đạt những hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân. “Ngoài chuyên môn là điều trị bệnh, người bệnh cần được hỗ trợ về vật chất và nâng đỡ về tinh thần, nhất là những bệnh nhân yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống” - BS Tấn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm