Ngày tết, chạy đua với thần chết

Chiều tối mùng 3 tết Ất Mùi (tức 21-2), tổng đài 115 Trung tâm Cấp cứu TP.HCM (266 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM), tiếng chuông điện thoại gọi cấp cứu liên tục reo vang. Đồng hồ chỉ gần 18 giờ. Đầu dây bên kia, người dân báo tin có người bị trụ điện ngã đè gần chợ Phú Lâm (quận 6).

Ảnh 1: Các điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đang nhận tin báo gọi đến. Ảnh: TRẦN NGỌC.

Cứu người như cứu hỏa

Nhận được lệnh, gần như ngay lập tức tài xế Trần Đình Nhựt nổ máy xe cấp cứu 51B-0222 đợi sẵn. BS Trần Chí Quang cùng điều dưỡng trưởng Nguyễn Trọng Hiển và điều dưỡng Thân Thị Thanh Thúy cùng túi cứu thương lên xe. Tiếng còi hụ vang lên, chiếc xe lao đi giữa dòng người xe đang đông dần lên dập dìu đi chơi tết. 

Không đầy 10 phút sau xe cấp cứu có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Trước ngôi nhà 35C2-35C3-35C4 Tân Hòa Đông, khu phố chợ Phú Lâm (phường 13, quận 6), một cột điện ngã đè lên những thau chậu đựng cá, dây điện văng tứ tung. Cạnh đó, một phụ nữ nằm dài trên đất, vẻ mặt đau đớn.

Các nhân viên cấp cứu nhanh chóng tiếp cận nạn nhân. Sau khi chẩn đoán nạn nhân bị gãy chân trái, hai điều dưỡng Hiển và Thúy dùng băng vải và nẹp bó cố định chân bị gãy. Trong khi đó BS Quang đo huyết áp, tìm hiểu thêm thương tích khác trên người nạn nhân. Ngoài gãy chân, nạn nhân còn bị chấn thương đầu. Nạn nhân được đặt lên băng ca. Tiếng còi xe cứu thương lại vang lên, chiếc xe chở thẳng bệnh nhân tới BV Nhân dân 115 (quận 10). Những động tác cứu người của các nhân viên cấp cứu vừa nhanh vừa chuẩn xác. Đúng là “cứu người như cứu hỏa”.

Cấp cứu lúc nửa đêm

Ảnh 2: Xe cứu thương 115 đang chuyển nạn nhân gãy chân tới BV. (Ảnh chụp lúc 18 giờ 10 mùng 3 tết) Ảnh: TRẦN NGỌC

Gần 23 giờ 30, đường phố thưa dần, nhiều nhà chuẩn bị đi ngủ. Chuông cấp cứu lại vang lên. Tổng đài 115 nhận tin báo có một vụ va chạm giữa xe khách 16 chỗ và xe máy dưới chân cầu Ông Thìn (huyện Bình Chánh) làm nhiều người bị thương. Lập tức một xe cấp cứu xé màn đêm lao đi. Khoảng 5 phút sau, xe cứu thương thứ hai xuất phát để hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển nạn nhân.

Tại hiện trường, dưới ánh sáng đèn đường và đèn pha xe cấp cứu, vài người bị thương nhẹ được người thân đưa tới BV gần đó bằng phương tiện cá nhân để kịp được chăm sóc. Khu vực xảy ra tai nạn còn hai nạn nhân, một nam, một nữ, nằm bất động, nhiều nơi trên cơ thể bị chảy máu. Các bác sĩ và điều dưỡng xem xét tình trạng thương tích của hai nạn nhân, sơ cứu tại chỗ. “Nạn nhân bị đa chấn thương, rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không kịp sơ cứu ban đầu trước khi chuyển đến BV, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng nặng hơn hoặc không qua khỏi nên nhiều khi chúng tôi phải chạy đua với tử thần là vậy” - BS Quang cho biết. Ngay sau đó các nạn nhân được xe cấp cứu đưa vào BV Nhân dân 115.

“Trung cấp Cấp cứu 115 TP.HCM luôn căng thẳng như thế trong những ngày tết để kịp thời cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn hoặc bệnh nhân gặp hiểm nghèo” - cử nhân điều dưỡng trưởng Nguyễn Trọng Hiển, phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết. Tổng cộng ba ngày tết, trung tâm đã thực hiện 70 cuộc cấp cứu. Riêng mùng 3 tết có 31 chuyến cấp cứu.

Góp phần nhỏ vào việc lớn cứu người

Ngồi trực tại tổng đài 115, điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh liên tục nghe và trả lời điện thoại. Công việc của chị thoạt nhìn tưởng là nhẹ nhàng nhưng thật ra hết sức căng thẳng. Chị vừa xác định địa chỉ cần cấp cứu vừa tư vấn người nhà sơ cứu bệnh nhân trước khi xe cấp cứu tới.

Trong những cuộc gọi đến, thỉnh thoảng chị Hạnh nhận được vài cuộc gọi chỉ để chọc ghẹo. “Nhiều lúc cả bốn điện thoại cùng reo nhưng khi nhấc máy bên kia không trả lời hoặc cười nói hô hố khiến tôi vô cùng lo lắng vì sợ tổng đài nghẽn mạch sẽ ảnh hưởng đến những cuộc gọi thực sự cần cấp cứu. Nhưng may là số người này ít thôi” - chị Hạnh phân trần.

BS Đoàn Mai Phương, trưởng ca trực cấp cứu mùng 5 tết (tức 23-2), công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã tám năm, cho biết do tập quán kiêng cữ, người dân rất ngại gọi cấp cứu trong những ngày tết, ngoại trừ khi trong nhà có người bệnh nặng. Bởi vậy những ca cấp cứu trong ba ngày tết thường nặng hoặc bị tai nạn bất ngờ. “Nhân viên 115 trực cấp cứu tết phần vì xa những phút giây sum họp gia đình, phần vì xử lý những ca bệnh nặng nên thực sự ít nhiều cũng có căng thẳng. Nhưng nay tôi cũng quen dần và cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa vì đã cùng đồng nghiệp góp một phần nhỏ vào một việc lớn là cứu người” - BS Phương chia sẻ.

 

Cả nước có gần 34.000 ca TNGT

Theo báo cáo chưa đầy đủ từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 23-2 (tức mùng 5 tết), các BV trong cả nước đã thực hiện khám cấp cứu cho hơn 204.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân TNGT là gần 34.000 người, tai nạn chấn thương sọ não do TNGT là hơn 3.800 người, tai nạn do sinh hoạt là gần 16.000 người, tai nạn do pháo nổ là 21 người, tai nạn do chất nổ khác là 23 người, tai nạn do nguyên nhân khác là hơn 11.000 người.

Các BV trong cả nước cũng cấp cứu cho gần 5.500 bệnh nhân tai nạn do đánh nhau, trong đó 16 người đã tử vong. Ba tỉnh có số nạn nhân cấp cứu tai nạn do đánh nhau nhiều nhất là TP.HCM với 319 ca, An Giang 289 ca và Đồng Tháp 265 ca. Các BV cũng đã khám và điều trị cho hơn 1.600 người bị ngộ độc thức ăn, ba người trong số đó đã tử vong.

Về số tử vong, cả nước có gần 759 người tử vong, trong đó đứng đầu là tử vong do TNGT có 202 người, tử vong do tai nạn sinh hoạt đứng thứ hai có 26 người.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết trong năm ngày nghỉ tết, số bệnh nhân vào cấp cứu vì TNGT đã giảm hơn so với năm trước nhưng lại gia tăng số bệnh nhân tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động.

HUY HÀ

TP.HCM: Cấp cứu gần 21.000 ca trong những ngày tết

Báo cáo của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết từ ngày 15-2 (tức 27 tháng Chạp) đến 22-2 (tức mùng 4 tết), các BV trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và các BV quận, huyện TP.HCM đã cấp cứu hơn 20.670 trường hợp. Trong đó, trên 2.400 ca do TNGT, gần 2.630 ca do tai nạn sinh hoạt và hơn 80 ca ngộ độc các loại.

Báo cáo còn cho thấy trong hơn 20.670 trường hợp cấp cứu có gần 12.700 ca phải nhập viện, trong đó 55 trường hợp tử vong (năm ca tử vong do TNGT).

TRẦN NGỌC

BV Chợ Rẫy: Số ca cấp cứu giảm 7%

Ngày 23-2 (tức mùng 5 tết), thông tin từ khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết từ 30 tết đến mùng 4 tết, BV cấp cứu hơn 1.280 ca, giảm hơn 7% so với tết năm 2014. Trong đó có gần 390 ca TNGT, giảm gần 4% so với cùng kỳ nhưng có gần 300 ca chấn thương sọ não do TNGT, tăng 3% so với cùng kỳ. Số ca tử vong do TNGT năm nay chỉ ba ca, giảm so với tết năm 2014 (năm ca).

Đặc biệt, ghi nhận số ca uống rượu bia bị TNGT giảm nhiều. Cụ thể, tết năm 2014 có 54 ca có rượu bị TNGT thì năm nay chỉ có 14 ca, giảm hơn 74%.

DUY TÍNH

Tiêu điểm


17 phút, ba chuyến xe cấp cứu

21 giờ, tổng đài 115 nhận tin báo một bệnh nhân lớn tuổi ở Bình Thạnh bị lơ mơ, cần cấp cứu gấp. Ngay lập tức xe cứu thương lăn bánh.

21 giờ 7 phút, lại một tin báo một người đàn ông ở quận 10 trong khi lên cầu thang bị té, không đứng dậy được. Một xe cấp cứu khác lên đường.

21 giờ 17 phút, chuông tổng đài lại vang lên. Một người dân ở quận 5 nhảy lầu tự tử. Xe cứu thương lại hú còi lao tới hiện trường.

***

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM có sáu xe cứu thương cùng 18 bác sĩ và 32 điều dưỡng trực tiếp tham gia cấp cứu. Hằng ngày trung tâm chia nhiều ca kíp trực 24/24 giờ. Mỗi ca gồm 3-4 bác sĩ, tám điều dưỡng và đội ngũ tài xế. Riêng trong những ngày tết luôn có thêm lực lượng dự phòng để hỗ trợ cấp cứu khi cần thiết. BS ĐOÀN MAI PHƯƠNG, trưởng ca trực cấp cứu mùng 5 tết

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm