Ngân hàng máu đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận GMP

Ngày 5-4, BV Truyền máu huyết học TP.HCM đã tổ chức lễ công bố ngân hàng máu của bệnh viện chính thức được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt chuẩn châu Âu (European GMP).  BV là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này.

Theo BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM, BV có ngân hàng máu đứng đầu cả nước về lượng máu thu nhận và cung cấp cho các BV. Số lượng tiếp nhận hằng năm tăng dần, đến năm 2018 đạt trên 230.000 lượt người hiến máu (tương đương trên 260.000 đơn vị máu) và điều chế ra hơn 700.000 đơn vị chế phẩm máu.

Đây là bước đà thuận lợi để BV chuẩn bị xây dựng Ngân hàng máu mới với công suất 1.000.000 đơn vị/năm đạt chuẩn GMP châu Âu.

Bệnh viện tổ chức lễ đón nhận chứng nhận GMP châu Âu đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: HL

Ngoài ra, với chứng nhận GMP châu Âu, BV có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam, hỗ trợ các trung tâm truyền máu trong cả nước xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế.

Việt Nam sẽ xuất khẩu huyết tương sang các nước Châu Âu, sau đó nhập khẩu các sản phẩm điều trị với giá thành rẻ, phù hợp người bệnh tại Việt Nam. “Hiện tại, các ngân hàng máu ở Việt Nam sau khi điều chế máu vẫn còn lượng huyết tương dư thừa, được nhiều nơi muốn thu mua.

Tuy nhiên, không có chứng nhận GMP, việc này khó khả thi. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được các yếu tố đông máu từ huyết tương như yếu tố 8, yếu tố 9 mà phải nhập khẩu rất đắt tiền. Nếu Việt Nam xuất khẩu được huyết tương thì cơ hội hợp tác, trao đổi các chế phẩm của máu ra nước ngoài sẽ thuận lợi và giúp giảm giá thành cho bệnh nhân”, BS Dũng cho hay. 

Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của BV Truyền máu huyết học TP.HCM trong xây dựng cơ sở đạt chuẩn GMP châu Âu, tiêu chuẩn thực hành được coi là cao nhất trên thế giới hiện nay. Điều này phù hợp với định hướng của UBND TP và ngành y tế trong giai đoạn 2020-2015 xây dựng TP.HCM không chỉ là trung tâm y tế của cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á.

“Máu cũng như thuốc, đưa trực tiếp vào cơ thể người nếu đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt thì sẽ cho ra chất lượng máu tốt nhất, bác sĩ yên tâm chỉ định sử dụng cho người bệnh, giảm thiểu tác dụng phụ, phản ứng phụ khi truyền máu. Ngoài ra, việc hình thành ngân hàng máu đạt chuẩn quốc tế góp phần cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực phát triển y tế.”, ông Bỉnh đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm