Mổ lấy thai 3,2 kg cùng khối u nặng gần 6 kg

Cưới nhau được một thời gian và trải qua hai lần sẩy thai, chị NTH (sinh năm 1980, ngụ phường 5, TP Cà Mau) và chồng là anh PHV đã hai lần đậu thai nhưng đều không may mắn mất con. Đến năm 2013, anh V. đưa vợ vào BV Từ Dũ TP.HCM tiến hành phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung. Kể từ đó, vợ chồng anh chạy chữa khắp nơi thiết tha mong một mụn con mà mãi vẫn chưa được.

Trì hoãn cắt tử cung để mang thai

Đến năm 2015, sau khi chạy chữa mọi nẻo đường, vợ chồng chị H. được đồng nghiệp thân quen giới thiệu ThS-BS Ong Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn kiêm phụ trách khoa Sản phụ của BV Hoàn Mỹ Minh Hải (Cà Mau). Với hy vọng còn nước còn tát, hai vợ chồng lại lần nữa tiếp tục hành trình “đi tìm con”.

Ban đầu đến BV Hoàn Mỹ Minh Hải, chị H. được các bác sĩ khoa Sản thăm khám và phát hiện khối u xơ tử cung (UXTC) khá lớn, kích thước trên 130 mm. Nhưng vì biết nguyện vọng cảm động của hai vợ chồng, BS Phong đã quyết định không điều trị phẫu thuật cắt bỏ tử cung mà trì hoãn, cố gắng tìm phương pháp làm sao để chị H. có cơ hội mang thai.

Bắt đầu hành trình đó, chị H. được bác sĩ cho canh trứng tự nhiên qua siêu âm. Và điều may mắn cuối cùng cũng đã đến với hai vợ chồng, chị H. đã thụ thai và được dưỡng thai khỏe mạnh nhờ sự giám sát, chăm sóc từ gia đình và bác sĩ tại đây.

Vợ chồng chị H. vui mừng bên con sau khi tách bỏ được khối u nặng gấp đôi em bé. Ảnh: HP

Khối u gấp đôi cân nặng của thai

Đến ngày 18-9 vừa qua, khi thai kỳ được 37 tuần, BS Phong khám thai cho chị H. và chẩn đoán quá trình phát triển của bào thai tốt nhưng song song với sự phát triển của thai khối UXTC cũng đang dần lớn theo.

Vì thế ngay thời điểm đó, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật song hành vừa lấy thai và cắt tử cung toàn phần để an toàn và đảm bảo sức khỏe về sau cho cả mẹ lẫn con. Sau vài giờ đưa ra quyết định, chị H. nhập viện lúc 8 giờ 45 ngày 18-9 và được chuyển vào phòng phẫu thuật lúc 14 giờ 30 cùng ngày.

Hơn 90 phút căng thẳng, êkíp bác sĩ phẫu thuật song hành vừa cắt toàn tử cung khối u cân nặng 5,9 kg ra khỏi cơ thể chị H. đồng thời kết hợp mổ lấy thai chào đón sự ra đời của bé trai cân nặng 3,2 kg với tình trạng sức khỏe tiến triển ổn định.

Theo TS-BS Ong Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn của BV Hoàn Mỹ Minh Hải, cho biết trường hợp như chị H. rất ít gặp từ trước đến nay. Do vợ chồng chị H. bị hiếm muộn, lại có khối UXTC nên việc đậu thai đã là chuyện rất khó. Cộng với đó, khi đậu thai, thai phụ rất dễ sẩy thai tự nhiên do khối u làm ảnh hưởng. Thách thức cuối cùng với thai phụ và cả bác sĩ đó chính là quá trình phẫu thuật bắt con sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình mổ, khả năng sản phụ có thể bị băng huyết hoặc không đảm bảo an toàn cho thai nhi khá lớn. Bên cạnh đó với khối u to, khi cắt tử cung có thể gặp tai biến trên hệ tiết niệu.

“Nhưng với trách nhiệm của người bác sĩ và hành trình mong mỏi chờ đợi có con của chị H., ca mổ được thực hiện hết sức thuận lợi và thành công. Sau thời gian hậu phẫu tám tiếng, sức khỏe của chị H. dần ổn định và được chuyển về phòng bệnh. Tiếp sau phẫu thuật khoảng 20 giờ, bác sĩ tiếp tục theo dõi, thăm khám sát sao, đảm bảo rằng hiện tại sức khỏe của chị H. tiến triển rất tốt và chỉ vài ngày nữa thôi sẽ được xuất viện” - BS Phong cho biết.

Hiện nay, tỉ lệ thai phụ bị UXTC trong thai kỳ dao động 1,6%-2,7% và ngày càng gia tăng do phụ nữ ngày nay có xu hướng lập gia đình muộn. UXTC có nguy cơ cao gây vỡ ối sớm và sinh non. Tuy nhiên, việc bóc tách khối UXTC khi mổ lấy thai vẫn có những chống chỉ định và cần được thực hiện bởi những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, ở những phòng mổ có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, phòng hậu phẫu đạt chuẩn chứ không được áp dụng đại trà.

____________________________________

Tôi xin gửi lời cám ơn đến các bác sĩ và điều dưỡng của BV Hoàn Mỹ Minh Hải đã nhiệt tình và tận tâm chăm sóc vợ tôi thời gian qua. Ân tình và sự nhiệt tâm của mọi người gia đình chúng tôi luôn luôn ghi nhớ.

Anh PHV

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm