Mất chân, tử vong do kiến, gián, ve sầu...

Mới đây một bà mẹ sống tại Oregon, Mỹ đã chia sẻ trên mạng xã hội video cô con gái nhỏ không thể đứng dậy và bước đi sau khi bị bọ chó cắn. Theo bà mẹ kể lại, con gái của bà đã không thể đứng lên để mặc bộ đồ ngủ sau khi đi tắm, đến sáng hôm sau cô bé phải bò và gần như không thể điều khiển cánh tay của mình. Sau khi cho con thực hiện một số kiểm tra, bác sĩ đã tìm thấy một con ve chó bám trên da đầu, ẩn dưới tóc của cô bé, vết cắn của loài ký sinh trùng này khiến cô bé bị tê liệt tạm thời và không tự chủ được hành động.

Suýt mất chân vì… kiến cắn

Tương tự trường hợp trên, tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, bé PBQH (11 tuổi) vừa thoát khỏi nguy cơ phải cắt bỏ chân chỉ vì một con kiến.

BS CKI Huỳnh Thị Thanh Thảo, điều trị trực tiếp cho bé H., cho hay vào ngày 19-4, khoa tiếp nhận bé trong tình trạng nóng, sốt hơn 42 độ, ho kèm theo nôn ói, chân sưng to khá trầm trọng.

Theo gia đình kể lại, buổi chiều 16-4, trong lúc ra vườn nhà nội ở Long An chơi, bé H. đã bị kiến cắn nhiều vết ở chân. Ban đầu vết kiến cắn chỉ gây ngứa nhưng vài ngày sau chân bé H. càng lúc càng sưng lên. Gia đình chuyển bé đến BV Long An để điều trị. Tại đây, bé được cho uống kháng sinh liều hai ngày. Tuy nhiên, đến ngày 19-4 các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, chân bé to gấp đôi bình thường, gia đình sợ quá đã chuyển thẳng vào BV Nhi đồng 2.

“Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị ảnh hưởng do vết kiến cắn. Chất độc sau khi bị kiến cắn vẫn nằm lại dưới da khiến bệnh nhi bị viêm mô tế bào, một loại nhiễm trùng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh đó, hàm lượng acid formic của bé cao, chứng tỏ trong máu có rất nhiều độc tố. Chúng tôi nhận định những độc tố này có thể phá hủy nội tạng của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị lâu dài mới có hy vọng làm sạch hoàn toàn độc tố trong máu và trở lại bình thường” - BS Thảo nói.

Cũng theo BS Thảo, các trường hợp biến chứng do côn trùng cắn tại BV thường không nhiều, tuy nhiên đều là những trường hợp nghiêm trọng. Nếu tính trung bình một năm, BV có thể tiếp nhận 5-10 bệnh nhi gặp nguy hiểm do côn trùng tấn công.

Một nạn nhân bị ong đốt suýt tử vong đang nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: HẢI ÂU

Cảnh giác với những loài bé nhỏ

Nghiên cứu về ảnh hưởng của côn trùng, ông Đồng Đức Đại, Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP, cho biết vết cắn của côn trùng thường gây ra hậu quả trước tiên là tổn thương da. Đối với người, khi bị côn trùng độc cắn, đốt, chích có thể để lại nhiều hậu quả khác nhau, thông thường, gây nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nọc độc có thể theo vết cắn vào cơ thể gây ra nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hoại tử.

Việc động vật để lại vết cắn, chích trên người gây biến chứng là thực tế trong y học. Tuy nhiên, do số lượng ít và không nổi bật nên người ta thường chủ quan với những loài vật này.

Theo ông Đại, nhiều người đã quá quen thuộc và cảnh giác với muỗi vì loài này gây dịch sốt rét, sốt xuất huyết dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, các loài như kiến, chuột, gián, ong, ve sầu… đều mang trong mình một chất độc, vi khuẩn riêng. Chúng đều có thể gây nên những bệnh trầm trọng khó lường trước được nhưng do ít xảy ra nên không được để ý.

Hiện nay ở nước ta, côn trùng gây bệnh nhiều nhất là muỗi gây sốt xuất huyết, Zika... Vết cắn của bọ chét có thể lây vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Một số loài sâu, gián gây bệnh hen suyễn. Ong độc chích có thể gây tử vong…

“Tùy vào cơ địa của mỗi người và tùy vào độc tố của mỗi con vật hậu quả sẽ khác nhau. Khi bị côn trùng cắn mà có những dấu hiệu khác thường trong cơ thể nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất kiểm tra. Không nên quá chủ quan hay tự đi mua thuốc giảm đau, thuốc bôi dẫn đến tình trạng nghiêm trọng trở tay không kịp” - ông Đại khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm