Lướt điện thoại chọn bác sĩ

Thời gian vừa qua, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội liên tục nhận được phản ánh của sản phụ cũng như người nhà bệnh nhân về tình trạng có nhiều người mạo danh bác sĩ (BS) BV gọi điện thoại yêu cầu làm dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà. Có trường hợp người gọi điện thoại biết toàn bộ thông tin của sản phụ và người nhà, giả danh người  của BV đăng ký đến chăm sóc nhưng đến lại không làm “nhiệm vụ” mà chỉ đến chôm chỉa, trộm đồ của người bệnh rồi trốn biệt.

Bác sĩ giả mạo để trộm tiền

Anh Lê Hoài Đức (quận Ba Đình, Hà Nội) kể: Vợ anh sinh con thứ ba tại BV Phụ sản Hà Nội. Sau ba ngày nằm viện, anh Đức đưa vợ và con về nhà. Được ba giờ đồng hồ thì một phụ nữ gọi điện thoại xưng là người của BV. “Cô này nói khoảng 6 giờ tối sẽ có một BS và một nữ hộ sinh đến chăm sóc sau sinh cho hai mẹ con. Họ biết tôi tên gì, ngày tháng năm sinh, họ nói rất rõ ràng nên tôi tin 100% là người của BV. Nhà lại không có ông bà chăm, tôi cũng muốn BS đến hướng dẫn cách thay tã, cho con bú này nọ nên đồng ý ngay” - anh Đức kể.

Khoảng hơn 6 giờ tối cùng ngày, đúng như hẹn trước, nhà anh Đức đón một người đàn ông và một phụ nữ tự giới thiệu là BS sản khoa và nữ hộ sinh  BV Phụ sản Hà Nội. Những người này không mặc đồng phục BV và nói rằng do khám ngoài giờ, dịch vụ tại nhà nên không cần thiết.

“Do họ đến đúng giờ ăn tối nên tôi để vợ ở nhà, ra ngoài đi chợ nấu bữa tối. Vợ tôi còn mệt phải nằm trong phòng chăm con không để ý, tôi chỉ đi tầm 10 phút quay về thì không thấy hai người này, kiểm tra thì tiền trong ví mất sạch, điện thoại vợ cũng không cánh mà bay. Tôi bức xúc gọi lên BV hỏi, rồi chạy thẳng lên đó nhưng BV bảo đấy không phải người của BV, số điện thoại gọi tôi BV cũng không biết” - anh Đức kể.

BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, thăm khám cho thai phụ (ảnh trên) và ứng dụng đăng ký khám bệnh, chăm sóc tại nhà. Ảnh: HP

PGS-TS-BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc  BV Phụ sản Hà Nội, xác nhận thời gian gần đây BV nhận được nhiều phản ánh về việc sản phụ và người nhà cứ ra khỏi cổng BV là có liên tiếp 3-7 cuộc điện thoại gọi liên tục. Họ toàn xưng là người của BV và muốn chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân, có trường hợp nói đây là quy định của BV, sau sinh phải có người đến chăm sóc tại nhà nên bệnh nhân phải đồng ý. Nhiều trường hợp đến khám không có chuyên môn, làm qua loa và lấy tiền bệnh nhân, có trường hợp đến chỉ để trộm tài sản người nhà. Thế nhưng hỏi ra, kiểm tra kỹ càng thì không có bất cứ số nào làm phiền người dân là số của BV, không ai trong số đó là người của BV và BV chưa từng có hành động đó.

Cho khám kiểu “Uber” để giải quyết

Mặc dù xác nhận những người “làm tiền” bệnh nhân không phải là người của BV, tuy nhiên để giải quyết triệt để tình trạng này, BS Nguyễn Duy Ánh cho biết trước mắt BV đã thông báo rõ đến từng người dân, từng sản phụ khi đến thăm khám ở đây.

Bên cạnh đó, để chấn chỉnh trách nhiệm về phía BV trong việc để lộ thông tin bệnh nhân và người nhà ra ngoài, BV vẫn đang kiểm tra cụ thể và quán triệt nhân viên. Trước đây tại BV có nhiều đơn vị đến phát quà cho bệnh nhân, sau khi phát quà họ lấy số điện thoại và thông tin từ đó tuồn ra ngoài. Do đó, BV đã thống nhất quy tất cả đầu mối từ thiện về một đơn vị duy nhất, tất cả thông tin nếu bị lộ ra ngoài sẽ quy trách nhiệm cho công ty đó.

Bộ Y tế khuyến khích các dịch vụ mới thông qua mạng xã hội, kiểu đăng ký biết giá tiền để đáp ứng xu thế phát triển của xã hội và thế giới. Tuy nhiên, BS và đơn vị khám chữa bệnh cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của người dân.

Ông NGUYỄN ĐÌNH ANH,Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế 

Tuy nhiên, một biện pháp có thể nói là mới hơn và lợi ích nhiều mặt, nhiều phía mà BV sắp triển khai đó là áp dụng phần mềm khám bệnh, chăm sóc tại nhà.

“Người nhà không còn dùng cách truyền thống là gọi điện đến tổng đài BV chờ BS đến khám mà chỉ cần một điện thoại thông minh trên tay, mở phần mềm sẽ biết đang có nhân viên nào của BV sẵn sàng đến chăm sóc tại nhà. Tiện lợi hơn, bệnh nhân còn biết giá tiền bao nhiêu, chọn được BS nào mình thích. Như thế BV sẽ quản lý được tình hình và chắc chắn không lọt người ngoài vào” - BS Ánh nói.

BS Ánh cũng cho biết thêm, thời gian gần đây BV đang bàn luận rất quyết liệt về vấn đề này và liên kết với các bên phần mềm để người dân thuận tiện trong việc tìm kiếm người chăm sóc tại nhà, thậm chí sau này nếu phát triển tốt dịch vụ này sẽ giúp bệnh nhân chọn BS, nữ hộ sinh cho mình đi sinh đẻ yên tâm.

Bên cạnh đó, khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc tại nhà qua phần mềm ứng dụng, những việc chỉ cần một cô y tá như mở chỉ, thay tã, băng bó…, người dân sẽ đỡ tới BV gây quá tải và chờ đợi lâu.

Chọn bệnh viện uy tín để sử dụng dịch vụ tại nhà qua mạng

Đó là khuyến cáo của nhiều BS cũng như lãnh đạo ngành y tế khi nhiều công ty tư nhân tự lập nên các trang web kêu gọi người dân đăng ký khám sức khỏe. Theo đó, người dân tải ứng dụng, chọn BS và ngày, giờ để BS đến khám. Tại nhà, BS khám cho bệnh nhân nhưng không lấy tiền trực tiếp mà thanh toán qua thẻ, sau đó BS lên đơn và kê toa.

Giới BS khuyến cáo: Sử dụng dịch vụ là tốt nhưng dịch vụ chỉ đạt hiệu quả khi người dân đến khám trực tiếp tại cơ sở y tế chất lượng, BS có uy tín. Vì nếu không may, khách hàng kết nối trực tiếp với BS thông qua phần mềm trung gian hay công ty không đáng tin sẽ rất nguy hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm