Loạn thần do... cai rượu

Mới đây, phòng Cấp cứu BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận một thanh niên thường trú Hóc Môn, TP.HCM mang nhiều vết thương trên người, miệng nói lảm nhảm, toàn thân run rẩy, không nhớ ra mình là ai, biểu hiện rất giống với nghiện ma túy đá.

Leo lên nóc nhà ngồi khóc

Người nhà cho biết bệnh nhân không hề chơi ma túy đá nhưng thường xuyên uống rượu. Vào buổi sáng trước khi sự việc xảy ra, anh này đột nhiên lấy tay đập bể tủ kiếng rồi leo lên dẫm nát nên bị đứt tay, chân. Sau đó anh ta còn leo lên nóc nhà ngồi khóc. Người nhà thấy thế vội đưa vào bệnh viện.

Mẹ bệnh nhân cho biết thêm bệnh nhân chỉ mới 36 tuổi nhưng đã uống rượu gần 20 năm, mỗi ngày uống đến hai xị. Chẩn đoán sơ bộ cho thấy bệnh nhân mắc cơn sảng rượu, là tình trạng nặng của hội chứng cai rượu.

Một trường hợp khác, quê ở Long An có mẹ nhập viện vì tai biến bỗng lên cơn quậy phá, đuổi đánh nhân viên bệnh viện nên được chuyển đến phòng Cấp cứu BV Tâm thần TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cũng lâm vào cơn sảng rượu do cai rượu đột ngột. Do phải chăm mẹ nên bệnh nhân không có cơ hội uống rượu rồi lên cơn sảng rượu.

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, các điều dưỡng, bác sĩ khoa Ngoại thần kinh hết sức vất vả khi đối phó với những bệnh nhân lên cơn sảng rượu. Bệnh nhân thường được đưa vào trong tình trạng nồng nặc mùi rượu, loạn thần, quậy phá do rượu. Khi đã khống chế được mức độ loạn thần rồi thì trải qua hơn ngày hôm sau không có rượu, bệnh nhân tiếp tục lâm vào cơn sảng rượu. Trước khi sảng rượu, bệnh nhân thường trở nên rất hung dữ, không kiểm soát được hành vi.

Bệnh nhân không nên tự ý cai rượu mà cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách tự cai cho phù hợp. Ảnh minh họa: HTD

Không tự ý cai rượu

BS Hiển cho biết sảng rượu là tình trạng nặng của hội chứng cai rượu, thường xuất hiện vào giờ thứ 24 đến 36 trở đi kể từ lần uống rượu cuối cùng. Tình trạng này không phổ biến, khoảng 10 người cai rượu thì có 2-3 người mắc vì thông thường bệnh nhân nghiện rượu sẽ tìm mọi cách để có rượu uống, trừ những lý do bất khả kháng.

Hội chứng cai rượu thường rơi vào những người uống rượu số lượng nhiều trên 10 năm, trên một xị mỗi ngày, tự dưng ngưng đột ngột.

Biểu hiện của cơn sảng rượu là tay chân run rẩy, mức độ nặng hơn là giựt toàn thân, nói nhảm, ảo giác, loạn thần, phổ biến nhất là bệnh nhân thường hạ đường huyết. Trường hợp xấu nhất là bệnh nhân có thể tử vong do biến chứng tim mạch, suy hô hấp nếu không xử lý kịp thời. Khi rơi vào trạng thái lơ mơ, nếu ở trên lầu cao có thể nhảy lầu bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm.

Trước khi rơi vào cơn sảng rượu, thông thường bệnh nhân rất hung hãn, đây được gọi là giai đoạn tiền sảng rượu. Bệnh nhân thường tự gây sát thương cho bản thân. Khi người nhà phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu này thì cần cho bệnh nhân nhập viện gấp.

Theo BS Hiển, kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cai rượu cho bệnh nhân, hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến cai rượu khi có dấu hiệu xơ gan, run tay. BS Hiển khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý cai rượu mà cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để được hướng dẫn cách tự cai và đề ra phác đồ phù hợp đặc điểm sinh lý học của cơ thể mỗi người.

Sảng rượu là một trong các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu thường gặp bên cạnh những rối loạn khác như rối loạn khí sắc, lo âu, chức năng sinh dục... Riêng ở TP.HCM, nhóm người được xác định bị lệ thuộc vào rượu chiếm 5%. Khi bị lệ thuộc rượu thì nguy cơ mắc trầm cảm lên đến 30%-40%, 25%-50% mắc rối loạn lo âu. Đặc biệt, nhóm người nghiện rượu cũng có xu hướng tìm đến ma túy nhiều hơn người thường gấp sáu lần và có tỉ lệ tự sát cao (chiếm 25% số vụ tự sát). 

Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn chức năng tình dục như giảm hormone nam, tăng hormone nữ, làm teo tinh hoàn và gây ra vú to ở nam, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương. Tỉ lệ tự sát liên quan đến nghiện rượu thường là do trầm cảm, mắc bệnh cơ thể, mất việc làm, mất sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Ngoài ra, lệ thuộc rượu còn gây ra những sa sút như rối loạn trí nhớ và các triệu chứng như mất ngôn ngữ, mất động tác, mất nhận thức, khiếm khuyết chức năng thi hành.

(Nghiên cứu cá crối loạn tâ mthần
liên
 quan đến rượu thường gặp của BS CK II Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm