Lộ sai phạm của nhiều phòng khám Trung Quốc

Sáng 27-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc “vi hành” bất ngờ đến một số phòng khám (PK) tư nhân có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM.

Không thấy bóng dáng bác sĩ

Ban đầu đoàn Bộ trưởng đến PK Raffles Medical (167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM). Nơi đây đang có 48 bác sĩ, nhân viên y tế bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, là nơi tiếp nhận khám cả đối tượng có bảo hiểm nước ngoài, khám sức khỏe xin visa. Trước đó, năm 2016, PK này đã bị phạt 8 triệu đồng vì thiếu bác sĩ trong tiếp nhận khám sức khỏe tổng quát. Lần kiểm tra này, lỗi vi phạm đã được khắc phục.

Tại PK Nguyễn Trãi (đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM), chỉ sau vài vòng kiểm tra, lãnh đạo Bộ Y tế đã phát hiện nơi đây có rất nhiều sai phạm. Cụ thể, PK này đã thay đổi hiện trạng ban đầu một số vị trí, dụng cụ. Dù quảng cáo là PK đa khoa nhưng khi lướt qua các bộ hồ sơ thì nhận ra bệnh nhân đến đây chỉ toàn khám ngoại khoa, ghi chép không cụ thể. Nghi ngờ bệnh nhân không được chẩn đoán và không có phác đồ điều trị rõ ràng, Bộ trưởng yêu cầu được xem 10 hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân đã khám trong ngày 26-4 nhưng đại diện PK trả lời vòng vo rồi hướng dẫn đoàn kiểm tra lên tầng sáu.

Tại đây, trong lúc chờ đợi hồ sơ Bộ trưởng bước vào phòng chẩn trị y học cổ truyền thì bất ngờ vì... trống hoác. Mãi một lúc sau vị bác sĩ PK mới có mặt, tuy nhiên khi Bộ trưởng Tiến hỏi về toa thuốc, người này cũng không cung cấp được với lý do chỉ phụ trách phần châm cứu, bấm huyệt, chuyện kê toa chủ yếu do một bác sĩ khác người Trung Quốc lãnh trách nhiệm. Bước tiếp vào khoa sản, đoàn kiểm tra lại thêm lần nữa ngạc nhiên khi bác sĩ điều trị không thấy đâu. Đáng chú ý, khi đoàn kiểm tra rất nhiều bàn khám bệnh ở đây thì không có mặt bác sĩ. PK không dùng sổ khám bệnh, hỏi bệnh án thì cũng không có. Nhân viên hành chính cho biết: “PK này có bác sĩ nhưng bác sĩ ốm, xin nghỉ”. Đại diện PK Đa khoa Nguyễn Trãi cho biết mỗi ngày nơi này chỉ có 5-6 bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

PK này có hai bác sĩ Trung Quốc phụ trách khám ngoại khoa. Hầu hết các kỹ thuật thực hiện chỉ là cắt bao quy đầu, cắt trĩ. Giá các phẫu thuật này ở đây khá cao. Ví dụ, cắt bao quy đầu giá 22-35 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với giá ở bệnh viện công. Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy phòng xét nghiệm của PK này không có máy xét nghiệm cũng như những dụng cụ hiện đại cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang kiểm tra một phòng khám có yếu tố nước ngoài. Ảnh: HP

Không có sổ khám bệnh chi tiết

Tại PK Mayo (đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM), khi bị PV hỏi về chuyện bệnh nhân “tố” bác sĩ Trung Quốc làm việc tại đây “vẽ bệnh” để trục lợi, BS Nguyễn Công Phúc, Giám đốc chuyên môn của PK, không đi vào nội dung cụ thể của vụ việc mà chỉ cho biết đã tạm ngừng công việc của bác sĩ này từ vài tháng trước vì có sự mâu thuẫn trong vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Kết thúc cuộc kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu được xem các hồ sơ bệnh án một lần nữa nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn. Tại đây, đoàn kiểm tra xác định tất cả phòng chuyên môn tại PK đều không có sổ khám bệnh chi tiết. Ngoài ra, theo đại diện Sở Y tế, so với lần kiểm tra trước thì đến nay nơi đây đã có sự xáo trộn vị trí các phòng. Do đó đoàn kiểm tra đã yêu cầu PK phải trả lại hiện trạng ban đầu.

Sẽ buộc niêm yết giá

Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2016 Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.000 cơ sở y tế tư nhân, xử phạt tổng số tiền là 10 tỉ đồng, trong đó 16 PK có bác sĩ Trung Quốc đã chiếm đến hơn 10% tiền phạt.

Thời gian qua Sở Y tế đã ghi nhận nhiều vấn đề ở các PK có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là PK Trung Quốc. Theo đó, người bệnh phản ánh nhiều nhất là giá cả khám chữa bệnh tại đây. “Việc nhiều bệnh nhân phản ánh chủ yếu là giá khám bệnh mập mờ và họ không được thông báo trước về giá. Bên cạnh đó, bệnh nhân cho biết mình bị các PK vẽ bệnh. Nhiều người không có bệnh mà bị chẩn đoán bệnh nặng. Về giá cả, năm 2017, theo Luật Giá mới, các PK sẽ phải niêm yết giá và giá phải được đăng ký với Sở Y tế để ngăn chặn việc PK lấy giá trên trời” - TS Bùi Minh Trạng khẳng định.

Chiều 27-4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện TP có 197 PK đa khoa tư nhân, trong đó có 21 PK đa khoa liên quan đến yếu tố nước ngoài. Năm 2016, qua kiểm tra 143 PK đa khoa, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính và bốn cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Kiểm tra 14 PK có yếu tố nước ngoài thì phát hiện 100% cơ sở vi phạm, trong đó có hai cơ sở bị tước giấy phép hoạt động.

Trong bốn tháng đầu năm 2017, Sở Y tế TP tiến hành kiểm tra 11 PK đa khoa tư nhân, phạt vi phạm hành chính 10 và đình chỉ hoạt động một cơ sở. Kiểm tra bảy PK có yếu tố nước ngoài, phạt vi phạm hành chính sáu cơ sở và đình chỉ hoạt động một cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm