Lo ngại bùng phát dịch sốt xuất huyết diện rộng

Ngày 19-7, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía nam tại TP.HCM.

Diệt lăng quăng, không dễ

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng, do đó cần tăng cường thực hiện thông điệp “Không có lăng quăng, bọ gậy - không có SXH”. Tuy nhiên, trao đổi tại hội nghị, các địa phương đều cho rằng việc này tưởng dễ lại không hề dễ.

Là địa phương có số ca mắc SXH tăng cao, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có hơn 6.500 ca với một ca tử vong, bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, dự báo số ca mắc đến cuối năm có thể hơn 10.000 ca, trong đó TP Nha Trang có số ca mắc cao nhất. Lý giải, bà Mai cho rằng Khánh Hòa, trong đó có Nha Trang là thành phố du lịch với rất nhiều công trình xây dựng, tụ điểm phát sinh nhiều ổ lăng quăng gây dịch bệnh. “Muốn kiểm tra các điểm này, trung tâm phải phối hợp với lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND cùng tiếp cận, giám sát, tuy nhiên đa phần đều không tiếp cận được chủ đầu tư để nhắc nhở, xử phạt” - bà Mai nêu.

Đồng tình với bà Mai, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, nơi cũng đang bùng phát dịch SXH, cũng cho hay tỉnh gặp nhiều khó khăn do địa bàn có nhiều công trình xây dựng, khu đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trọ là môi trường cho muỗi truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để. Chế tài xử phạt với cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ lăng quăng còn hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ ý thức chống dịch của người dân còn hạn chế, nhiều người còn né khi có đoàn đến nhà phun hóa chất. “Những nhà có ca bệnh SXH đều muốn lực lượng chống dịch vào phun hóa chất nhưng cũng có hộ khi nghe thông báo tới giờ phun hóa chất thì đóng cửa, chưa chủ động tự diệt lăng quăng trong hộ gia đình” - ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, nêu.

Phun hóa chất chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân ở Đồng Nai. Ảnh: HL

TP.HCM xử phạt hơn 1.000 trường hợp

Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh SXH, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ năm 2015 đến nay, TP.HCM đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạt các trường hợp cố tình để phát sinh muỗi truyền bệnh SXH.

Theo ông Hưng, Nghị định 176 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã giải quyết điểm nghẽn trong việc phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân. “1.000 trường hợp bị xử phạt đều chấp hành, không ai kiện cáo” - ông Hưng thông tin. Riêng sáu tháng đầu năm, TP cũng đã ra quyết định xử phạt 64 trường hợp, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo con số xử phạt sẽ tăng khi TP mới bước vào đầu mùa dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh vẫn còn chưa đúng và trúng. “Tuyên truyền SXH mà lại đưa hình ảnh đi quét đường. Trong khi muỗi truyền bệnh SXH thường sinh sôi, phát triển trong môi trường nước sạch, vì thế cần tuyên truyền người dân thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước như bể, lu, bình hoa, loại bỏ các vật phế thải chứa nước mưa mới là đúng” - bà Tiến nêu.

Ngoài ra, công tác phân luồng, lọc bệnh đối với bệnh nhân SXH chưa thực sự tốt khiến cho một số bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM như BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 rơi vào tình trạng quá tải. Theo bà Tiến, thực tế chỉ khoảng 10%-20% bệnh nhân mắc bệnh SXH rơi vào tình trạng nặng (sốc hoặc chuẩn bị vào sốc), còn lại khoảng 80% bệnh nhân mức độ nhẹ có thể điều trị tại địa phương hoặc tự khỏi bệnh. “Việc bệnh viện tuyến trên cho nhập viện ồ ạt như hiện nay là không cần thiết” - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến.

Tính đến tháng 7-2019, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018.

34 tỉnh/TP ghi nhận số mắc SXH hằng tuần tăng cao và số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Lý giải nguyên nhân của sự gia tăng này, Bộ Y tế đánh giá do nền nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn những năm trước, lượng mưa trung bình cũng tăng hơn. Đồng thời, số ca mắc bệnh năm 2018 kéo dài sang cả mấy tháng đầu năm 2019 và sự thay đổi của virus gây bệnh khiến cho số ca bệnh cộng dồn của năm 2019 tăng cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm