Lần đầu mổ cứu bé gái bị u tụy suốt 4 năm

Ngày 23-6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin vừa phẫu thuật thành công trường hợp một bé gái bị u đảo tụy. Trước đó, do bé có nhiều triệu chứng như hạ đường huyết, động kinh, ngất xỉu nên bác sĩ ở các nơi khác không phát hiện được khối u và chẩn đoán bé mắc bệnh liên quan đến vấn đề thần kinh.

Triệu chứng như động kinh

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, chia sẻ: Bé NTĐT 13 tuổi (huyện Krông Pa, Gia Lai) bốn năm qua thường xuyên xuất hiện các triệu chứng ngất xỉu khi đói, gia đình phải cho ăn liên tục cách nhau hơn một giờ đồng hồ. Vì khi đói bé T. hay có biểu hiện mặt tái xanh và ngất xỉu. Kèm với đó trong một tháng, bé thường xuất hiện hai đến ba lần co giật kiểu động kinh.

Bé T. được đưa vào một BV ở Quy Nhơn điều trị. Các bác sĩ tại đây cho chụp CT Scanner và chẩn đoán bé bị động kinh, cho thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, càng về sau triệu chứng của bé T. xuất hiện càng nhiều và phương pháp điều trị không hiệu quả. Gia đình đưa bé T. ra Hà Nội, kết quả chẩn đoán tương tự BV Quy Nhơn, bé được cho thuốc và về nhà tiếp tục điều trị.

Sau một thời gian uống thuốc nhưng không có hiệu quả, ngày 7-6, bé T. nhập viện Nhi đồng 1 với hai bản CT Scanner. Các bác sĩ tìm hiểu bệnh sử, so với y văn và nghi ngờ u đảo tụy nên tiến hành siêu âm kỹ vùng bụng. Thử xét nghiệm về nội tiết và đo đường huyết liên tục trong vòng 24 giờ. Qua kiểm tra cho thấy insulin trong máu tăng gấp ba lần so với bình thường. Cuối cùng phát hiện một khối u nhỏ ở đầu tụy. Về mặt lâm sàng, sinh hóa chẩn đoán bé bị u vùng đảo tụy insulin oma.

“Khối u khá nhỏ, nếu không chú ý thì khó mà phát hiện ra được. Nếu dễ dãi, lúc này sẽ rất dễ rơi vào thiếu sót của đồng nghiệp khác trong kết quả chẩn đoán bệnh cho bé” - BS Hiếu nói.

Bác sĩ của BV Nhi đồng 1 đang thăm khám cho bệnh nhi NTĐT sau phẫu thuật lấy khối u đảo tụy. Ảnh: HP

Tiến triển rất nguy hiểm

Theo bệnh sử, trong suốt bốn năm, mỗi lần bé đói gia đình thường cho uống nước đường hoặc ăn kẹo chocolate, bé sẽ khỏe lại rất nhanh sau vài phút. BS Hiếu cho biết căn bệnh này tiến triển cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được mổ kịp thời, bé có thể hạ đường huyết trong lúc ngủ bất cứ lúc nào, dẫn đến hôn mê và tử vong. Ngoài ra, nếu không làm phẫu thuật sớm, bé chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc. Sau ca mổ hơn bốn giờ, bé T. đã được phẫu thuật lấy khối u ra ngoài.

Theo BS Hiếu, cũng là trưởng êkíp 1, đây là ca mổ rất phức tạp và lần đầu gặp đối với tất cả phẫu thuật viên. Trong lúc phẫu thuật phải làm sao tránh sang chấn ở tủy. Phối hợp với ngoại khoa nội siêu âm để siêu âm ngay tại bàn mổ. Phối hợp với khoa nội tiết và định vị ngay trên bàn mổ. Êkíp gồm nhiều chuyên khoa của BV đã bóc tách được khối u có kích thước khoảng 1,5 cm ra khỏi vùng đảo tụy. Sau mổ một tuần, hiện bệnh nhi hồi phục tốt, hoàn toàn thoát khỏi các triệu chứng nguy hiểm trước đây. Các bác sĩ đã cho bé nhịn đói thử và bé hoàn toàn không còn những triệu chứng như bốn năm nay.

“Để tiến hành mổ thành công ca này, êkíp mổ phải bao gồm chuyên gia tiêu hóa tụy gan mật, phối hợp siêu âm và chẩn đoán hình ảnh mới có thể thực hiện được” - BS Hiếu nói.

Tỉ lệ 4/1.000.000 người bị u đảo tụy

Theo y văn thế giới, thường các bệnh nhân đến với BV cả trong nước lẫn nước ngoài không phải được chẩn đoán ngay là u đảo tụy insulin oma. Đối với người lớn tuổi (ngoài 50), người ta hay bị nhầm với bệnh lý mạch máu não bởi triệu chứng hay co giật, nhức đầu… Còn đối với trẻ em lại dễ nhầm lẫn với các bệnh về thần kinh.

Tại Việt Nam, đây là ca thứ hai ở trẻ em sau ca ở BV Nhi Trung ương. Đối với người lớn, trước giờ chỉ mới ghi nhận ba ca. Cứ một triệu người thì chỉ có bốn người bị bệnh lý này. Do có sự trùng lắp nhiều triệu chứng của các bệnh lý khác nhau nên các thầy thuốc rất dễ nhầm lẫn.

Rất may mắn là 90% các khối u đảo tụy đều là khối u lành tính. Vì vậy khi phẫu thuật khối u chắc chắn sẽ không tái phát. Khối u tròn, gọn nên khi mổ là lấy trọn khối u ra. Chỉ có 10% còn lại phối hợp với các bệnh lý ác tính khác có thể tái phát nhưng trường hợp này lại khá hiếm.

BS ĐÀO TRUNG HIẾU, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm