Làm gì khi bị côn trùng đốt?

Khi bị côn trùng cắn, đốt, phản ứng ngoài da thường gặp nhất là tình trạng ngứa ngáy dữ dội nơi bị cắn, nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy.

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương do côn trùng cắn, chúng ta phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Các bước xử trí

Lấy chúng ra:Các côn trùng hút máu nhỏ có hàm răng rất cứng, bám chắc vào da thịt. Khi nắm chúng kéo ra, thường ta chỉ tách được thân hình còn hàm răng của chúng vẫn còn bấu chặt vào da thịt.

Khi bị côn trùng đốt, cần tìm cách rút ngòi và rửa kỹ vết cắn bằng xà phòng để hạn chế nhiễm khuẩn.

Hàm răng này dĩ nhiên không còn hút máu được nữa nhưng có thể gây nhiễm trùng hoặc những biến chứng có hại khác. Vì thế, ta nên kéo côn trùng nhẹ nhàng, dần dần ra khỏi vết cắn để chúng không bị kẹt răng lại.

Ngoài ra, có thể hơ lửa hoặc dùng cồn, dầu nóng... nhỏ một giọt vào côn trùng, chúng sẽ tự động nhả ra. Rút ngòi ong cắn bằng cánh dùng nhíp nhổ, móng tay. Không để nguyên ngòi trong da vì nó sẽ làm cho chất độc tiết ra nhiều.

Sát trùng vết cắn:Vết cắn phải được xịt có áp lực với nước sạch nhiều lần để rửa sạch, loại bớt vi khuẩn và các mô chết. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, ta nên rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng, sau đó bôi cồn hoặc các thuốc sát trùng khác.

Làm vết đốt không bị ngứa, sưng hoặc nổi mẩn:Có thể dùng nước đá đắp lên vết đốt của côn trùng chừng 5 phút hoặc dùng muối ăn hòa với ít nước thành dạng đặc sệt rồi thoa lên vết cắn.

Nếu chỉ có vết hồng ban: người bệnh chỉ cần điều trị tại nhà. Dùng nước muối loãng 9% chấm mỗi ngày ba đến bốn lần. Tránh rửa nước nhiều hoặc kỳ cọ làm bong da dễ gây bội nhiễm vi khuẩn.

Nếu đau rát nhiều hoặc có biểu hiện nhiễm trùng: Cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị cụ thể, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Không nên sử dụng các phương pháp chữa dân gian như nhai gạo nếp, đậu xanh đắp lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Phòng ngừa côn trùng cắn

Duy trì tốt vệ sinh cá nhân và hộ gia đình. Vệ sinh xung quanh khu dân cư, phát quang bụi cây, cỏ dại quanh nhà để hạn chế côn trùng trú ngụ. Khi đi ngủ, kể cả ban ngày, cần phải mắc màn. Cho trẻ nằm trong nôi có phông màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác.

Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc dùng lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là trong mùa mưa bão. Có phương tiện bảo hộ thân thể với quần áo, nón, tất và găng tay khi đi vào khu vực có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, cắn.

Khi phát hiện côn trùng bò lên người, bạn nên tìm cách gỡ tách chúng ra. Tránh chà xát hay đập chết côn trùng vì dịch tiết có chứa độc chất của chúng có thể ngấm vào da.

Bác sĩ Lê Đức Thọ

Theo suckhoedoisong

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm