Kiên Giang sắp có bệnh viện dã chiến 300-500 giường

Ngày 20-4, thông tin với báo chí, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết ngay khi đến Kiên Giang, 13 bác sĩ của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh để hỗ trợ điều chỉnh đề án BV dã chiến. Cạnh đó, các bác sĩ đã đóng góp nhiều ý kiến về việc xây dựng BV dã chiến và phòng chăm sóc đặc biệt ICU.

Nâng quy mô BV dã chiến lên 300-500 giường

Theo ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, vào ngày 20-4, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy bắt đầu khảo sát thực tế điều kiện cơ sở vật chất tại TP Hà Tiên. Sau hai ngày, đoàn bác sĩ sẽ quay về TP Rạch Giá và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để thống nhất các việc phải triển khai thực hiện.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang thông tin trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Campuchia, đặc biệt Kiên Giang là địa phương có đường biên giới dài với đất nước này cả trên biển lẫn trên bộ nên quy mô BV dã chiến của TP Hà Tiên sẽ được nâng từ 200 giường lên 300-500 giường.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, hiện nay những người từ Campuchia có ý định về Việt Nam đều được khuyến cáo, vận động đi theo đường chính ngạch, từ đó cơ quan chức năng sẽ đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, cho hay TP hiện có năm khu cách ly tập trung, có thể tiếp nhận 720 người cách ly tập trung. Để phòng chống dịch trong tình hình hiện nay, lãnh đạo TP Hà Tiên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của TP phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp kiểm soát tình trạng. Trong đó địa phương quan tâm đặc biệt đến việc nhập cảnh trái phép từ Campuchia qua các đường mòn, lối mở.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 19-4, Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đội gồm 13 thành viên đến từ nhiều khoa, phòng sẽ phối hợp cùng chính quyền, Bộ chỉ huy biên phòng và Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp hai BV dã chiến ở TP Hà Tiên và TP Rạch Giá.

Cạnh đó, đội sẽ phối hợp xây dựng một Đơn vị hồi sức tích cực (ICU), có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng, bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa Hà Tiên, nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Ông Nguyễn Thanh Long (thứ ba từ phải sang), Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa có chuyến kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Kiên Giang. Ảnh: NH

Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới

Bản tin chiều 20-4 của Bộ Y tế cho biết có thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh.

10 ca mắc mới (BN2792-2801) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hưng Yên (1), Hòa Bình (2), Nghệ An (1), Đà Nẵng (5), Hà Nội (1).

Như vậy, tính đến 18 giờ chiều 20-4, Việt Nam có tổng cộng 2.801 bệnh nhân mắc COVID-19. 

Đồng Nai, Vĩnh Long tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 20-4, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết đến sáng 22-4, trung tâm sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 50% cán bộ, nhân viên BV Phổi Đồng Nai.

Đây là điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và được triển khai sớm hơn ba ngày.

Để chuẩn bị tốt cho công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các BV, lãnh đạo Khoa hồi sức tích cực - chống độc, cán bộ phụ trách tiêm chủng, cán bộ phụ trách Khoa dược của các BV để triển khai công tác tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, hiện toàn tỉnh đang có 16.800 liều vaccine AstraZeneca. Mục tiêu của đợt tiêm chủng lần này là tiêm đúng đối tượng ưu tiên, đảm bảo thời gian, tránh hao phí, xử lý kịp thời các sự cố, phản ứng bất lợi sau tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Đối tượng tiêm vaccine đợt đầu của tỉnh là các đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo quy định, đó là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: Người làm việc trong các cơ sở y tế các tuyến; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc trong các khu cách ly)... 

Riêng lực lượng công an sẽ nhận vaccine từ Bộ Công an, ngành y tế sẽ phối hợp, hỗ trợ công tác tiêm chủng.

Cũng trong ngày 20-4, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 50 người thuộc đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh.

50 người được tiêm vaccine là các nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 thuộc BV đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Qua theo dõi, trong số 50 người được tiêm vaccine thì chỉ có một người bị phản ứng nhẹ.

Ngày 22-4 tới, tỉnh sẽ tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho người thuộc diện ưu tiên tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Toàn bộ đội tuyển bóng đá quốc gia đã tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong hai ngày 19 và 20-4, toàn bộ 45 cầu thủ trong danh sách sơ bộ của đội tuyển quốc gia Việt Nam đã hoàn thành mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 lần 1, sẵn sàng cho đợt hội quân dự kiến vào tháng 5-2021.

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được liên đoàn điều chỉnh cho phù hợp với lịch thi đấu của các cầu thủ tại các giải chuyên nghiệp quốc gia 2021. 

Phòng chống dịch COVID-19: Chi viện cho Kiên Giang
Phòng chống dịch COVID-19: Chi viện cho Kiên Giang
(PLO)- Trong khi Kiên Giang đang huy động nguồn lực ngăn dịch COVID-19 xâm nhập vào từ đường biên giới Campuchia thì Phú Thọ lên các phương án để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch do tụ tập đông người dịp giỗ tổ Hùng Vương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm