Không khí ô nhiễm, bệnh hô hấp bủa vây dân Hà Nội

Hơn hai tuần qua, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức cảnh báo nguy hại cho sức khỏe, không tốt cho nhóm nhạy cảm, thậm chí ở mức báo động rất nguy hại. Bộ Y tế cảnh báo người dân nên hạn chế ra đường.

 80% các bệnh liên quan đến hô hấp

Trong hai ngày 16 và 17-12, ghi nhận tại bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, các phòng khám luôn tấp nập bệnh nhân. 80% trong số đó đi khám bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi, viêm tiểu phế quản, nhiều hơn cả là viêm phổi.

Xếp hàng hơn hai tiếng chờ đến lượt tại phòng khám số 14 BV Nhi Trung ương, chị PTG (Thanh Oai, Hà Nội), cho biết con trai chị là bé NPK (năm tháng tuổi) bị khò khè hơn tuần nay. Hai ngày qua bé ho liên tục, quấy khóc, sốt nhẹ. “Thấy con có triệu chứng viêm phổi nên tôi đưa cháu đi khám. Từ ngày không khí Hà Nội ô nhiễm nặng tôi hạn chế cho cháu ra khỏi phòng, vậy mà cũng không tránh được bệnh” - chị G. nói.

Bệnh nhân khám bệnh tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Ngồi gần đó, chị HTNT (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay bảy ngày trước con chị là bé VTD bị ho, sổ mũi. Chị đưa con đến phòng khám gần nhà và được bác sĩ (BS) chẩn đoán viêm phế quản, cho ba ngày thuốc uống. Uống được hai ngày, chưa dứt ho bé D. lại xuất hiện sốt hơn 39 độ kéo dài, ngủ li bì.

“Tôi đưa cháu đi cấp cứu tại BV Nhi Trung ương, BS chẩn đoán viêm phổi nặng phải nhập viện nhưng lại chuyển qua khoa Quốc tế vì các khoa khác đã hết giường. Hôm nay cháu đã điều trị được bốn ngày rồi. Đến người lớn như tôi ra ngoài về còn ho, sổ mũi thì trẻ con sao chống chọi được với không khí ô nhiễm hiện nay” – chị T. than.

Cúm A vào mùa, giá thuốc tăng gấp 4

Ngoài các bệnh lý về đường hô hấp, các ca mắc cúm A (cúm mùa) cũng đang tăng nhanh, nhất là ở người già và trẻ em. Bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều người nguy kịch.

Đơn cử như trường hợp của anh TBV (Ứng Hòa, Hà Nội). Trước đó thấy bị ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân anh nghĩ chỉ mắc cúm thông thường. Bốn ngày sau tình trạng nặng dần, khi nhập viện anh đã bị biến chứng suy đa phủ tạng nguy kịch. Các bác sĩ BV Bạch Mai phải tiến hành chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), cho bệnh nhân lọc máu và thở máy. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.

Phòng bệnh ở BV Thanh Nhàn rất đông bệnh nhân là trẻ em. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Còn tại BV Nhi Trung ương hiện có khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ khác nhau đang điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày BV tiếp nhận bình quân 100-130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi ngờ cúm. Thế nhưng thuốc đặc trị Tamiflu tại kho không còn nhiều, rất có thể thời gian tới sẽ bị thiếu.

Tình trạng Tamiflu khan hiếm khiến giá thuốc này bị đẩy cao gấp 3-4 lần so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Minh Tân, nhân viên văn phòng, cho biết đã phải mua thuốc Tamiflu tại  phòng khám gần nhà với giá 800.000 đồng/10 viên. Một người bạn của chị mua với giá 1,2 triệu đồng/10 viên. Quanh BV Nhi Trung ương, các nhà thuốc đều thông báo hết Tamiflu trong khi giá chợ đen được chào mời lên đến 120.000 đồng, thậm chí 150.000 đồng/viên.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân

Những ngày gần đây mỗi ngày Khoa nhi BV Thanh Nhàn tiếp nhận trên dưới 30 bệnh nhi tới khám, nhiều hơn những ngày trước đó. Hầu hết trẻ đến khám đều có biểu hiện liên quan các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi, các loại cúm, sốt virus…

Theo BS Dương Văn Long, Khoa nhi BV Thanh Nhàn, nguyên nhân gia tăng các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ chủ yếu do thời tiết chuyển mùa cộng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày qua. Còn PGS TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký hội Hô hấp Việt Nam, nhận định tất cả các bệnh không thể đổ do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, căn nguyên phổ biến của nhiều bệnh, trong đó có bệnh về hô hấp, lại chính là ô nhiễm không khí.

“Từ đầu năm đến tháng 10-2019, Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng 30.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú, tương đương 100 trường hợp/ngày. Do đó có thể nói ô nhiễm không khí chính là sát thủ không trực tiếp cũng gián tiếp gây hại cho sức khỏe” – ông Giáp nhấn mạnh.

 

Thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Do đó chỉ dùng khi có chỉ định của BS. Trước tình trạng khan hiếm thuốc, BV Nhi Trung ương đã gửi văn bản lên Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chờ chỉ đạo.

Ông TRẦN MINH ĐIỂN, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm