Không được ‘ngăn sông cấm chợ’, ‘làm quá’ khi chống COVID-19

Chiều 5-2, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 họp triển khai công tác phòng chống dịch, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các ổ dịch đã được kiểm soát tốt

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 2 ngày trở lại đây, 6/10 tỉnh thành ghi nhận ca bệnh mới (Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Ninh). Phần lớn các trường hợp mắc mới tại các tỉnh này là những người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ sẽ sớm ban hành văn bản điều chỉnh thời gian cách ly tập trung; văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM…

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho rằng vừa qua công tác phòng chống dịch đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục cố gắng phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng để vừa tổ chức khoanh vùng dập dịch hiệu quả, vừa bảo đảm các hoạt động kinh tế, xã hội.

Qua thực tiễn chống dịch 10 ngày qua, ông Vinh nhận định rất cần bình tĩnh ứng phó. Với những địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch như Gia Lai, Trung ương và những địa phương có kinh nghiệm khác sẽ hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh.

Do đó, khi ban hành các quy định phòng chống dịch cũng như triển khai công tác ứng phó dịch bệnh, các địa phương cần tránh ban hành những quy định hay những việc làm gây sốc cho xã hội.

Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn triển khai biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng.

Bộ Y tế nhấn mạnh cần chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp, xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng…

Nhiều địa phương “làm quá”

Đáng chú ý, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những vùng có dịch, “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê.

Ông Phu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.

Ông Tuyên cho hay tất cả những người sinh sống trong khu vực phong toả phải “nội bất xuất ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong toả và được kiểm soát chặt chẽ.

Đối với những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2). Các địa phương “không được ngăn sông cấm chợ”, không được “làm quá” yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho người dân.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nói đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm