Không được chủ quan với biến chủng SARS-CoV-2

Sáng 23-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang xuất hiện tại Anh.

Nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 tại Công ty Nanogen (TP.HCM).
Ảnh: HOÀNG GIANG

Tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%

Các nghiên cứu chứng minh loại biến chủng mới làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng này có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. “Sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền nhưng không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này” - ông Long nhấn mạnh.

Việt Nam hiện chưa phát hiện biến chủng mới này. Tuy nhiên, đây là thời điểm cuối năm, vấn đề nhập cảnh trái phép ngày càng phức tạp, nguy cơ xâm nhập của COVID-19 rất cao. Bởi hằng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Đây là điều rất quan ngại.

Biến thể SARS-CoV-2 ở Anh được gọi là B.1.1.7, được phát hiện vào đầu tháng 9. Vào tháng 11, khoảng 1/4 ca nhiễm ở London là do biến thể mới gây nên. Đến giữa tháng 12, số ca nhiễm do chủng này chiếm gần 2/3 tổng số ca nhiễm.

Để ngăn chặn chủng virus siêu lây lan, hơn 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp lệnh hạn chế đi lại với du khách Anh. 

Do đó, bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt tỉnh vùng biên tăng cường ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Tránh để các ca xâm nhập mang theo virus nguy hiểm vào Việt Nam. Các lực lượng duy trì từ tết 2020 đến nay là 1.600 điểm chốt ở các vùng biên, sắp tới cần tiếp tục tăng cường nhân lực để đảm bảo chốt chặn.

Với các trường hợp nhập cảnh hợp pháp, bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế các chuyến bay trở về từ vùng có dịch, đặc biệt từ các nước xuất hiện biến thể mới.

Cách ly trong nước cần siết chặt, tránh làm lây nhiễm ra cộng đồng như tại TP.HCM. Các trường hợp được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, các địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở này về mức độ đảm bảo, tuân thủ cách ly.

Đặc biệt, bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, chuẩn bị kế hoạch lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, đảm bảo cơ sở điều trị, tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Cơ sở y tế phải đặt nhiệm vụ từ nay tới cuối năm cần đưa công tác phòng, chống dịch lên mức cao nhất.

Tiếp tục thử nghiệm lâm sàng thêm hai loại vaccine của Việt Nam

Về vấn đề vaccine, ông Long cho biết thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine. Đến nay, Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Những tình nguyện viên thử nghiệm vaccine sức khỏe ổn định.

Ngoài Công ty Nanogen sản xuất vaccine nói trên, ba công ty khác cũng nghiên cứu phát triển vaccine. Cụ thể, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) có lộ trình thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3-2021, thử nghiệm ở cả miền Bắc và miền Nam để đảm bảo đại diện cho toàn quốc. Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLIVAC) cũng đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với Trung Quốc, Nga để có vaccine.

“Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo cơ chế, đàm phán với các công ty để sớm có vaccine cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không trông chờ hết vào vaccine mà phải triển khai quyết liệt phòng, chống COVID-19” - bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại hội nghị, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng cho biết sau hơn một năm xảy ra đại dịch, bài học quan trọng nhất cho thấy tập trung đầu tư vào ứng phó thực sự mang lại hiệu quả.

“Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp, kết quả đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. Đây không phải thành công qua một đêm mà là thành công có được qua rất nhiều năm chuẩn bị” - ông Kidong Park đánh giá và mong muốn Việt Nam sẽ đầu tư hơn nữa để hệ thống y tế ngày càng vững mạnh, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới trong tương lai.

Biến thể lây lan mạnh hơn, khó kiểm soát

Virus SARS-CoV-2 biến thể sau một thời gian lây truyền từ động vật sang người là điều hoàn toàn bình thường. Cách biến thể này nhằm mục đích giúp virus nhân giống để tồn tại. Hơn nữa, bản chất của virus là muốn nhân lên càng nhiều càng tốt nên phải thay đổi cấu trúc để nhân giống, phát tán ra môi trường dễ hơn.

Điều đặc biệt nữa là chúng không bao giờ muốn giết chết ký chủ, tức người mắc virus, vì như thế nó sẽ không có cơ hội nhân lên nhiều. Như vậy, virus SARS-CoV-2 hiện nay đang lây dễ hơn có nghĩa ngày càng “thuần” với con người, phù hợp với quy luật biến đổi của các loại virus.

Chẳng hạn vào năm 2009, thế giới chứng kiến dịch cúm A H1N1 khi mới xuất hiện đã giết chết rất nhiều người. Tuy nhiên, sau một thời gian, virus này dù lây lan rộng hơn nhưng đã suy yếu thành cúm mùa và ít gây nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, virus SAR-CoV-2 mặc dù độc tính không còn mạnh như lúc đầu nhưng vẫn đủ sức làm bệnh trở nặng đối với những đối tượng có bệnh nền và nguy cơ cao khi nhiễm virus như người già, người mắc các bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, suy thận... Do vậy, việc hạn chế dịch COVID-19 tiếp tục lây lan là người dân cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng dịch nhiều hơn.

BS TRƯƠNG HỮU KHANHTrưởng Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm