Khi nào cơm nguội hâm nóng gây nguy hiểm đến sức khỏe?

Gần đây, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng ăn cơm nguội hâm lại dễ gây ngộ độc. Đây là thói quen có từ rất lâu đời cũng là cách tiết kiệm của rất nhiều gia đình người Việt.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện y học Ứng dụng, nhiều thông tin cho rằng thói quen ăn cơm nguội có thể bị ung thư. Đến nay, y văn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng. 

Việc ăn cơm nguội hay hâm nóng cơm nguội không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản cơm trước khi được hâm nóng không đúng cách dẫn đến việc cơm đã bị hỏng trước khi hâm, người dùng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.

Cơm nguội bảo quản không đúng cách có thể bị hỏng, ôi thiu nhanh chóng. Ảnh: Kitchme.

Bác sĩ Sơn phân tích trong gạo có thể có Bacillus cereus, một vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bào tử này sẽ chết ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường sẽ tạo điều kiện cho bào tử và các vi khuẩn sinh sôi và phát triển.

“Người ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus có thể buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 tiếng. Phần lớn các triệu chứng ở mức độ tương đối nhẹ và thường kéo dài trong khoảng 24 tiếng”, TS.BS Sơn cho hay. 

Theo chuyên gia này, cơm nguội sẽ thực sự nguy hiểm nếu hâm nóng sau khi bảo quản trong tủ lạnh nhiều hơn 24 tiếng. Khi đó, cơm lấy ra không có mùi chua nên người dân thường chủ quan.

“Cơm nguội chỉ an toàn nếu được nấu chín và để nguội đúng cách trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, cơm nguội dù được bảo quản đúng cách và an toàn, sau khi hâm nóng lại vẫn không thể đảm bảo giá trị dinh dưỡng bằng cơm mới nấu”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh. 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của món ăn, các gia đình chỉ nên nấu lượng cơm vừa đủ. Trường hợp còn thừa cơm sau bữa ăn, người dân cần chú ý những điểm sau để tránh nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trong cơm nguội.

- Cơm nóng còn thừa phải làm nguội nhanh, có thể để cả ruột nồi cơm vào nước lạnh để giảm nhiệt. Bảo quản cơm trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, ức chế sự hoạt động của vi khuẩn.

- Không nên sử dụng tủ lạnh để bảo quản cơm quá 24 tiếng, cũng không nên hâm nóng cơm quá hai lần để đảm bảo chất dinh dưỡng.

- Khi sử dụng lò vi sóng, bạn nên cho cơm vào bát có nắp, không nên đậy kín Không dùng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng vì dưới tác dụng nhiệt của lò vi sóng, màng bọc thực phẩm có thể sẽ bị phân hủy, tạo ra những chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên dùng bát thủy tinh hoặc bát có màu trắng (không có hoa văn họa tiết) để hâm cơm nói riêng và đồ ăn nói chung trong lò vi sóng.

Theo Phạm Loan (Zing)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm